Ngày 20/4, thực hiện chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và hiện đại".
Quang cảnh Hội thảo khoa học "Nghề gốm cổ Ninh Bình: Truyền thống và hiện đại". |
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học đầu ngành, các cấp lãnh đạo và các nhà quản lý thuộc các lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử, bảo tàng học, di sản văn hóa, văn hóa học…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết: "Hội thảo là hoạt động đầu tiên nhằm mở ra hướng nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của nghề gốm cổ ở Ninh Bình và đưa ra luận cứ khoa học để xác định Ninh Bình là một trung tâm gốm cổ trong lịch sử, đây cũng là tiền đề để đề xuất các giải pháp, chủ trương, định hướng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát nói riêng, nghề gốm ở Ninh Bình nói chung trong thời gian tới".
Hội thảo đã nhận được 32 bài tham luận của các chuyên gia, tập trung vào hai nội dung chính là: Nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử và những nhiệm vụ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị trong thời gian tới.
|
Theo GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội): "Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất gốm sớm trong khu vực, niên đại sớm nhất khoảng 9.000 năm cách ngày nay. Mặc dù niên đại này cũng như lớp văn hóa chứa đồ gốm trong các hang động. Tràng An vẫn phải cần thêm nhiều những khai quật và nghiên cứu tiếp theo mới có thể khẳng định một cách chắc chắc".
TS Nguyễn Thị Hậu (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Tp Hồ Chí Minh) cho biết: "Trong thời đại công nghệ 4.0,m “tính bản địa” là một trong bảy từ khóa quan trọng nhất đối với người tiêu dùng (tiết kiệm, bền vững, công nghệ, bản địa, sức khỏe, đơn giản, tự do). Chú trọng tính bản địa (tài nguyên, tri thức, văn hoá) để phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng xã hội nhân bản. Tài nguyên bản địa luôn có tiềm năng trở thành sản phẩm mang giá trị văn hoá cao.
Từ sản phẩm kinh tế có thể trở thành di sản văn hoá khi tính bản địa được coi trọng cùng với sự đầu tư tri thức, công nghệ, thì tài nguyên văn hoá và những sản phẩm văn hoá cũng vậy. Chính vì thế, địa phương nào quý trọng giá trị tài nguyên bản địa và tri thức cộng đồng bản địa, lấy văn hoá – xã hội làm nền tảng để phát triển kinh tế thì nơi đó sẽ phát triển bền vững. Nghề gốm truyền thống ở các địa phương là một trong những nguồn tài nguyên bản địa tri thức cộng đồng quan trọng đó".
TS Nguyễn Thị Hậu (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Tp Hồ Chí Minh) |
Thông qua hội thảo, các nhóm tác giả đều cung cấp nhiều luận chứng khoa học về di tích, di vật liên quan đến di sản nghề gốm Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử; khái quát hóa quá trình thực tiễn nhiều cam go và những thành quả nhất định của việc khôi phục các làng gốm cổ trong và ngoài nước; gợi ý mô hình phù hợp nhằm khôi phục và phát huy nghề gốm Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế văn hóa hiện nay.
Mỗi tham luận đều mang đến những góc nhìn riêng để cùng góp phần xác định giá trị, quan sát thực tiễn và xây dựng mô hình nhằm tham vấn tỉnh Ninh Bình đưa nghề gốm cổ dần bước vào quỹ đạo phát triển kinh tế văn hóa hiện nay.