Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản khẩn về việc tổ chức giao thông, đi lại trên địa bàn thành phố trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Trong đó, UBND TP lưu ý, đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi TP.HCM do nhu cầu thật sự cần thiết thì không kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.
Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và vận động người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16; yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.
Các quận huyện, TP.Thủ Đức tổ chức tuần tra thường xuyên trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các trường hợp ra đường mà không có lý do chính đáng, theo Dân Việt.
Các quận huyện chủ động làm việc với các công ty, nhà máy, xí nghiệp được phép hoạt động trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các địa phương, các tỉnh giáp ranh với TP.HCM có công nhân, chuyên gia thường xuyên di chuyển qua lại giữa các địa phương để có giải pháp hạn chế đi lại (tổ chức ăn, nghỉ tại nơi sản xuất), tổ chức xe ô tô đưa rước tập trung công nhân, chuyên gia nhằm hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân lưu thông.
Tùy theo điều kiện làm việc cụ thể, xem xét điều chỉnh quy mô, quy trình sản xuất tại các phân xưởng nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch theo đúng quy định; có phương thức kiểm tra, xử lý phù hợp, tránh để xảy ra ùn tắc, tập trung đông người; ưu tiên các phương tiện đã được Sở Giao thông vận tải cấp giấy nhận diện khi lưu thông qua khu vực kiểm soát phòng chống dịch COVID-19.
Trước đó, nhiều người dân phản ánh khi đi từ quận này sang quận khác, qua các chốt kiểm dịch, thậm chí đi siêu thị cũng bị yêu cầu phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
Nhiều người dân sống tại TP.HCM không có thời gian nấu nướng, thường mua đồ ăn chế biến sẵn. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, TP cấm toàn bộ nhà hàng, quán ăn không được đón khách và bán mang về. Người dân băn khoăn, nếu mua một ít đồ ăn do người quen tự làm thì có vi phạm quy định giãn cách không.
Từ ngày 9/7, TP.HCM áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 16 của Chính phủ. UBND TP chỉ đạo tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày.
Vậy nên bất kể là cá nhân hay tổ chức cung cấp dịch vụ ăn, uống mang về đều vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch và có thể bị phạt hành chính 10-20 triệu đồng.
Người đặt mua hàng mang về hoặc đi mua đồ ăn, đồ uống tại nơi cung cấp dịch vụ ăn uống mang về sẽ bị coi là tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh dịch (người bán hàng hoặc giao hàng) và ra đường không có lý do chính đáng, theo Zing.
Do không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, người vi phạm có thể bị phạt hành chính 1-3 triệu đồng, theo điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Vì vậy, để tránh bị phạt, người dân chỉ được mua hàng tại các điểm phân phối các mặt hàng thiết yếu tại TP.
Với người dân sống ở chung cư tại TP.HCM, nếu chỉ ngồi hóng mát ở ghế đá dưới sân sinh hoạt chung hay đi bộ quanh tòa nhà thì vẫn bị phạt.
Trong Chỉ thị 16 của Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, có quy định: Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
Như vậy, khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, thì người dân chỉ được ra khỏi nhà với những lý do nêu trên.
Trong trường hợp này, nếu người dân ra khỏi căn hộ của mình để hóng mát, đi bộ, dù ở trong khu vực tòa nhà, khu đô thị, khu chung cư... thì đó là hành vi không thực hiện bảo vệ cá nhân về phòng chống dịch bệnh và sẽ bị xử phạt.
Theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi trên này sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng.
Trong trường hợp ngồi hóng mát, đi bộ chung từ 2 người trở lên, thì mỗi người sẽ bị phạt thêm từ 10 đến 20 triệu đồng/người về hành vi Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng.
(Tổng hợp)