Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, nghị định mới bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ. Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/1/2021 và thay thế cho Nghị định 36/2009/NĐ-CP.
Theo Bộ Công an, pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng là loại pháo được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây ra tiếng rít, tiếng nổ, hiệu ứng màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ (điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137 quy định).
Điều 17 của nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Điều 14 Nghị định 137.
Còn pháo hoa nổ là sản phẩm được được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Một số loại pháo hoa nổ thường thấy như pháo hoa nổ do lực lượng Quân đội bắn vào đêm Giao thừa hàng năm; các loại pháo dàn, hộp 36 hoặc 48 quả mà một số đối tượng đốt trái phép gây ra tiếng rít, tiếng nổ và màu sắc trong không gian trong dịp Tết. Theo Nghị định, cấm như pháo nổ, trừ trường hợp, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ quốc phòng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng theo quy định tại Nghị định này.
Trong Nghị định nêu rõ khi mua pháo hoa, các cá nhân, tổ chức cần nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua pháo hoa và nộp tại cơ quan công an. Sau 5 ngày, công an sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và giấy phép mua pháo hoa. Giấy phép này sẽ có thời hạn 30 ngày.