• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người đàn ông "ôm" rắn hổ mang vào viện cấp cứu vì cần tiền đóng học cho con

Anh T. cố giữ con rắn đến tận bệnh viện vì anh nghĩ bán có tiền để lo cho đứa con lớn sắp...

Sáng 20/8, bệnh nhân P.V.T (48 tuổi, quê huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh)  bị rắn hổ mang chúa cắn sau 1 ngày nhập viện dần ổn định, tiến triển tốt, đã cai máy thở.

Vợ của anh là chị Bùi Thị Ngọc Tủi chia sẻ gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là sau khi anh T. bị tai nạn cách đây 1 năm suýt mất mạng. "Chồng tôi bỏ luôn công việc phụ hồ để ở nhà trông 2 đứa con, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi”, chị Tủi nói.

Từ thời điểm đó, mọi chi phí sinh hoạt, cơm gạo trong gia đình đều do chị lo liệu. Thấy vợ vất vả, anh T. tìm cách kiếm thêm thu nhập để phụ giúp. Thời gian tới con sắp tựu trường, số tiền để đóng đầu năm học cho con là một nỗi lo với gia đình. 

Khi vào viện, anh T. vẫn giữ chặt con rắn trên tay.
Khi vào viện, anh T. vẫn giữ chặt con rắn trên tay.

Anh T. chuyên làm nghề bắt và bẫy rắn quanh khu vực sát núi Bà Đen. Trước ngày bị rắn cắn, anh từng bắt được 1 con rắn nặng 1kg và bán được 250 nghìn đồng. 

Chị Tủi kể lại: “Sáng 19/8, phát hiện con rắn cực lớn, chồng tôi lao vào bắt thì bị cắn vào đùi bên phải. Sau đó, chồng tôi nắm chặt phần đầu con rắn chạy ra đường nhờ người dân đưa đi cấp cứu. Khi đến bệnh viện, con rắn vẫn được chồng tôi nắm chặt, trong khi phần thân rắn quấn quanh khuỷu tay anh ấy”.

Việc anh T. giữ con rắn đó đến bệnh viện là bởi anh tiếc con rắn to có thể bán được tiền cho gia đình trang trải chi tiêu, nhất là đóng học cho con. Lúc bắt anh nghĩ là rắn lành chứ không nghĩ là rắn hổ mang. 

Con trai anh cho biết khi nhìn thấy con rắn lớn đã kêu ba chạy đi nhưng anh T. nói bán con rắn sẽ có tiền nên anh cố bắt cho bằng được. Ngay cả khi cấp cứu, anh T. còn dặn bác sĩ "giữ lại giùm con rắn".

Anh T. đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM).
Anh T. đang điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM).

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: “Đây là sự việc hi hữu vì thường rắn cắn xong thì bỏ chạy và người bị rắn cắn cũng hoảng loạn bỏ chạy. Nếu người bị rắn cắn vẫn tiếp tục bắt thì với bản năng tự vệ, con rắn sẽ quấn chặt vùng cơ thể của người bắt nó và trường hợp của bệnh nhân T. là điển hình”.

Theo bác sĩ Sang khi không may bị rắn cắn thì cần thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và hạn chế vận động chân tay, vì nếu vận động sẽ khuếch tán nọc độc đến cơ quan trọng yếu nhanh hơn.

Hiện tình hình của bệnh nhân T. sau khi được truyền huyết thanh chống độc đã tỉnh hoàn toàn, sức cơ tứ chi hồi phục tốt, mắt mở to, đã ngừng sử dụng máy thở và đang được tiếp tục theo dõi trong 48 giờ tới đề phòng biến chứng vì nọc rắn có thể tấn công vào cơ tim. Bên cạnh đó, vết thương ở đùi bệnh nhân T. có nhiều nọc độc, dễ làm viêm và tổn thương các mô xung quanh gây nhiễm trùng tại chỗ.

Ngoài ra bác sĩ Sang chia sẻ thêm thông tin: "Ngoài vấn đề biến chứng về cơ tim, điều lo ngại là tại vị trí rắn cắn có rất nhiều nọc độc dẫn đến bị viêm mô tế bào, từ đó vết sưng phù lan nhanh hủy hoại các cơ. Nếu điều này xảy ra kéo theo nguy cơ tắc ống thận sẽ dẫn đến suy thận cấp". 

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật