Chuyện tình của người thương binh Phạm Hồng Tư (1955, Phú Thọ) và cô hộ lý Nguyễn Thị Thanh Phương (Hưng Yên) đã khiến nhiều người xúc động. Họ - hai con người bằng sự chân thành và tình yêu đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khó. Sau 30 năm chung sống hạnh phúc tại trung tâm Điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh), cặp đôi có một con trai và hiện họ đã lên chức ông bà nội.
Kể lại câu chuyện của mình, ông Phạm Hồng Tư cho biết mình từng tham gia tại chiến trường Tây Nam năm 1979. Trong lúc đi tìm thi thể đồng đội hy sinh sau một trận chiến, ông Tư ngất lịm khi tiếng nổ chát chúa vang lên. Tỉnh dậy trong bệnh viện, các bác sĩ cho biết ông bị vướng mìn, cột sống tổn thương vĩnh viễn, cả đời sẽ phải gắn với chiếc xe lăn.
Người thương binh Phạm Hồng Tư |
Sau một thời gian điều trị ở quân đoàn, ông được chuyển về bệnh viện quân đội 175 ở miền Nam rồi sau đó đến tháng 3 năm 1981, ông được chuyển về trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cũng chính tại đây, ông gặp bà Phương, khi đó đang là điều dưỡng tại trung tâm. Khi đó, bà đang đảm nhiệm công việc nấu ăn cho trung tâm.
“Khi về đây tôi không nghĩ là mình sẽ lập gia đình, bởi ngày đó người có 38 39kg, còn bị thương nặng nữa. Ngày đó tôi cũng chỉ đi chơi thăm hỏi làm quen bạn bè, những người đồng chí đã về đây trước tôi thôi.
Trong một lần qua thăm nhà bạn, tôi xuống gian bếp lấy nước thì thấy “nhà tôi” thì làm quen, nói chuyện vài câu. Sau dần thì tình cảm cứ thế nảy sinh. Chắc là cũng nhờ một phần sự quan tâm của đơn vị bố trí trực tiếp người phục vụ thương binh nữa. Chúng tôi đã tìm hiểu nhau mấy năm trời, tìm hiểu nhau rất kĩ rồi mới quyết định đi tới xây dựng gia đình.” - Ông Tư kể lại.
Những lần chăm sóc, chuyện trò dần khiến tình yêu giữa hai người nảy nở. Nhưng hồi đó, hai người không nhận được sự chấp thuận của gia đình hai bên. Ông Tư cho biết, bởi vì hai gia đình đều khó khăn, phần vì khoảng cách địa lý xa xôi, phần vì ông là một thương binh nặng nên cả hai gia đình đều lo lắng cho cuộc sống sau hôn nhân của họ.
“Bản thân tôi là thương binh như này thì họ không biết là tôi có thể chăm sóc, lo toan cho gia đình được không, cả sức khỏe hay cả cuộc sống đều còn rất mơ hồ.” – Ông Tư xúc động nhớ lại.
Nhưng bằng sự chân thành và nhiều nỗ lực của mình, cuối cùng ông Tư cũng thuyết phục và nhận được lời đồng ý của hai bên gia đình.
Ngày ra mắt gia đình bà Phương, ông Tư dậy từ rất sớm, đẩy xe lăn từ Thuận Thành về Khoái Châu, Hưng Yên, cung đường dài đến 40km còn bà Phương đi xe đạp phía trước.
“Hai người đi từ buổi sáng, tầm 8 giờ, tôi thì đi xe 3 bánh vừa giật vừa đẩy, vợ tôi thì đi xe đạp. Chỗ nào đi qua ổ voi, ổ gà thì không đi được còn phải nhờ người đi đường qua đẩy cho, lúc đầu đi còn nhanh nhưng sau mất sức đuối nên đi chậm dần, 14 giờ chiều mới về đến nhà.” – Ông Tư tâm sự
Sau đó ít lâu, đến năm 1984 hai gia đình tổ chức đám cưới cho ông bà. Đôi vợ chồng sinh con trong thời bao cấp, miếng ăn cho con là thách thức không nhỏ với thu nhập từ chế độ tem phiếu cho thương binh và điều dưỡng viên.
“Khi sống với nhau thì hầu như vợ tôi là người làm tất cả, tôi chỉ có thể là người hướng dẫn vợ tôi. Ví dụ như khi thay đèn vợ tôi là người thay, tôi ở dưới hướng dẫn bà làm như nào,... nấu cơm dọn nhà. Tôi cũng có nói thẳng thắn với cô ấy là mọi việc chắc vẫn cần phải có em thì cô ấy cũng thấu hiểu và chấp nhận.
Trong cuộc sống hôn nhân thì cũng sẽ có những lúc cãi vã, tôi nghĩ là gia đình nào cũng thế, tôi thì sống trong môi trường quân đội nên cũng cầu toàn, khó tính và thêm nữa là bệnh tật cũng cản trở sinh hoạt nên hay bức bối,..nhưng chúng tôi đã cùng nhau đi qua những thăng trầm của cuộc sống đến tận bây giờ.”
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương |
Thương vợ phải làm lụng vất vả, ông Tư cũng quyết định làm thêm nghề để phụ giúp gia đình. Trong quân ngũ từng được học sửa ắc quy, thương binh Nguyễn Ngọc Tư quyết định thu gom ắc quy hỏng về sửa rồi đem bán.
“Nghề sửa chữa có lẽ hợp với tôi nhất, vì có chút ít năng khiếu cộng kiến thức học được trong quân đội, lại ít phải di chuyển. Sau khi nghề sửa ắc quy không còn mang lại nguồn thu tốt, tôi học thêm nghề sửa quạt, máy bơm, máy biến thế cỡ nhỏ. Nhìn chung các đồ điện gia dụng tôi đều xử lý được”, ông Tư nói.
Bà Phương cũng tranh thủ những ngày nghỉ để đạp xe đi mua nguyên liệu cho ông Tư sửa chữa, dây dẫn, linh kiện,…
“Ông Tư thấy thương tôi nên làm thêm nghề sửa chữa đồ điện. Ngày đó chủ nhật được nghỉ là tôi lại tranh thủ đi xe đạp để mua nguyên liệu sửa chữa, dây dẫn, linh kiện các thứ. Lần nào cũng đi từ sáng mà đến quá trưa, chiều mới về, đường xa xong là tới ngồi chờ người ta cuốn dây cho mình cũng lâu lắm.Nhưng cũng nhờ có nghề này mà cuộc sống của gia đình dần trở nên ổn định và khá hơn” Bà Phương kể lại.
Từ lúc đất nước vừa giải phóng đến khi đất nước toàn cầu hóa, hiện đại hóa; từ khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn đến khi có của ăn của để, dù có khó khăn nhưng bà Phương cho biết chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Hiện tại, cả hai ông bà chỉ mong giữ sức khỏe để sống vui với con cháu.