Trao đổi với Zing, ông La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I bày tỏ sự bất ngờ vì sự việc bệnh nhân tâm thần tổ chức "bay lắc", buôn bán ma túy... tại phòng điều trị vừa được triệt phá vừa qua.
Ông Cương nói: "Sự việc rất ngỡ ngàng! Tôi không thể hiểu tại sao khoa Phục hồi chức năng (nơi Nguyễn Xuân Quý điều trị) lại để cho người bệnh làm những việc như vậy. Cơ sở vật chất như phòng bệnh, thiết bị y tế đều được đầu tư, sửa chữa từ ngân sách Nhà nước hoặc của bệnh viện. Khoa hay bệnh nhân không được tự ý thay đổi.
Tôi chỉ chứng kiến bệnh nhân đòi hỏi, đưa ra những yêu sách nhỏ nhặt. Việc tự ý sửa chữa cả một phòng bệnh là không có. Trong khoảng thời gian còn công tác tại viện, những yêu cầu dù nhỏ nhất của bệnh nhân mà nằm ngoài quy định bệnh viện, các bác sĩ, các khoa đều phải xin ý kiến, lãnh đạo bệnh viện phê duyệt mới được thực hiện. Theo tôi, để sự việc như vừa rồi xảy ra là do lãnh đạo khoa đã quá dễ dãi".
Nguyễn Xuân Quý mang thiết bị âm thanh vào phòng điều trị để bay lắc. |
Chia sẻ ý kiến về tường trình của bệnh viện cho biết Nguyễn Xuân Quý ngăn cản nên không biết phòng điều trị được sửa sang thành nơi bay lắc, ông Cương nói: "Tôi thấy tường trình như vậy không hợp lý. Không bao giờ bệnh nhân có quyền cấm hay cản trở bác sĩ vào phòng bệnh để khám, giám sát hay kiểm tra. Tôi không biết các bệnh viện khác hay ở các nước khác như nào, nhưng tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, bệnh nhân bắt buộc phải mở cửa phòng bệnh khi bác sỹ yêu cầu.
Trong khoảng thời gian công tác, tôi từng gặp trường hợp bệnh nhân chống đối, kích động, không hợp tác trong quá trình điều trị, nặng hơn là từ chối tiếp xúc. Nhưng tình huống này chỉ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày, nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục, bệnh viện có đủ phương án và nhân lực để giải quyết".
Ông Cương cho rằng, sự quản lý của bệnh viện quá lỏng lẻo và sai quy định. Dù là bất kỳ ai, khi có nhu cầu vào thăm phải thông qua người quản lý của bệnh nhân đó. Người quản lý sẽ có nhiệm vụ kiểm soát mục đích vào gặp bệnh nhân, thời gian cũng như nơi gặp, thường sẽ có phòng thăm gặp riêng. Người quản lý còn phải kiểm tra những vật dụng mà người ngoài mang vào trước khi gặp bệnh nhân. Chính vì vậy việc đối tượng Quý có chìa khóa riêng để đi lại rõ ràng là vi phạm quy định.
"Để sự việc đáng tiếc trên xảy ra ngay tại bệnh viện rõ ràng là sự tắc trách của lãnh đạo, bác sĩ khoa. Tuy nhiên, theo tôi, đội ngũ điều dưỡng cũng có phần trách nhiệm bởi họ là người tiếp xúc nhiều và gần nhất với các bệnh nhân. Nói không quá chứ điều dưỡng sẽ nắm rõ từng “chân tơ, kẽ tóc” của phòng bệnh cũng như bệnh nhân. Họ không sát sao trong công việc là tạo sơ hở cho những việc tiêu cực", ông Cương nhận định, "sau vụ việc, lãnh đạo bệnh viện sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm, bởi họ là người đứng đầu".