• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguyên nhân khiến ngộ độc botulinum khó chữa?

Tất cả các bệnh nhân đều nhập viện chậm, cộng thêm thời gian bác sĩ chưa tìm ra căn nguyên...

Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc - người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, cơ chế gây độc botulinum là độc tố di chuyển trong máu, tấn công thần kinh ngoại biên, làm liệt các cơ đối xứng hai bên. Lúc này, người bệnh bị liệt dần từ trên xuống dưới, bắt đầu từ cơ mi mắt gây sụp mi, tới cứng miệng, ăn, nuốt khó, rồi lan dần xuống tay, chân. Cơ hô hấp mất chức năng, người bệnh không thể tự thở dù đầu óc minh mẫn, tỉnh táo.

Ở Việt Nam rất hiếm gặp các trường hợp ngộ độc loại độc này. Khoảng 30 - 40 năm qua bệnh không xuất hiện, nhiều chuyên gia cũng chẩn đoán nhầm với các bệnh cảnh khác như nhược cơ, viêm tụy... do lần đầu tiếp cận. 

Nhiều người bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay.
Nhiều người bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay.

Bác sĩ Hảo cho hay, muốn chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa vào nhiều yếu tố như điều tra dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm và nuôi cấy phân lập vi khuẩn. Trong vòng 1 tháng, khi có kết quả xét nghiệm chắc chắn, Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, mới công bố rộng rãi thông tin.

Việt Nam không sản xuất hay tích trữ loại huyết thành giải độc tố là Botulism Antitoxin Heptavalent, hơn nữa việc nhập thuốc mất khá nhiều thời gian có thể đánh mất giai đoạn vào để phát huy hiệu quả trị độc trong khoảng 3 ngày đầu tiên. 

Bệnh nhân nhập viện muộn, bác sĩ chẩn đoán nhầm, độc tố ngấm sâu, không có thuốc kháng độc sẵn... là nguyên nhân khiến khó chữa ngộ độc botulinum. Chất độc phát tác mạnh, làm tổn thương nghiêm trọng tế bào thần kinh.

Khi không kháng được độc tố thì chỉ còn cách chờ các tế báo tái sinh trong khoảng 1 - 3 tháng, đây là thời điểm cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ để kéo dài sự sống của bệnh nhân. 

Hai bệnh nhân nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới do ngộ độc pate Minh Chay đã hơn 1 tháng. Một trong hai người là ca nặng, bị liệt và phụ thuộc vào máy thở, người còn lại hồi phục tốt hơn, cai thở máy trước.

Hai chùm ca ngộ độc khác tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều cần một tháng để tự thở. Trong đó ba người bạn ở Đồng Nai và Vũng Tàu, độ tuổi 20-24 phải thở máy một tháng. Hai vợ chồng ở Khánh Hòa, thở máy trường kỳ từ ngày 24/7 đến nay...

Tuy nhiên, dùng máy thở trong thời gian dài có thể mang đến nguy cơ khác như:  bị biến chứng viêm phổi, tổn thương phổi, đặc biệt là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền, phải nằm liệt lâu... 

Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, khẳng định: "Nếu có thuốc giải độc thì quá trình điều trị sẽ dễ dàng hơn nhiều. Thời gian liệt ngắn lại bao nhiêu, cơ hội sống của người bệnh dài ra bấy nhiêu".

Nếu không điều trị đặc hiệu, người bệnh còn cần phải được tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin nhóm B, tập vật lý trị liệu, lọc máu, thay huyết tương năm lần cách nhật cũng rất quan trọng, theo dõi sát sao.

Hiện, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị 6 ca ngộ độc botulinum. Các bác sĩ đã có kinh nghiệm nên với bệnh nhân mới, các biến chứng được kiểm soát tốt hơn, diễn tiến bệnh khả quan hơn. Sau 10 ngày nhập viện, sinh hiệu bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, sức cơ tăng nhưng còn yếu.

Các chuyên gia khuyến cáo ai đã ăn pate Minh Chay nên đến cơ sở y tế khám, nhất là những người xuất hiện triệu chứng khàn giọng, sụp mí mắt. Người dân tuyệt đối không sử dụng sản phầm hết hạn, bị phồng rộp, hoặc sản xuất thủ công, tốt nhất nên nấu chín sản phẩm trước khi sử dụng.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật