Các nhà thanh lý, thay mặt cho các nhà đầu tư, đã yêu cầu Tòa án Quận phía Nam của New York công nhận hành vi gian lận của ông Huy Nhật và coi vấn đề này như một thủ tục nước ngoài theo Chương 15 của Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ, theo Deal Street Asia.
Cụ thể, Chương 15 quy định về sự hợp tác giữa các tòa án Hoa Kỳ và các tòa án nước ngoài, khi lợi ích tài chính của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi thủ tục phá sản nước ngoài. Tòa án cũng có thẩm quyền cấp cứu trợ bổ sung cho người được ủy thác phá sản.
Cuộc chiến pháp lý xuyên quốc gia
Đây là động thái mới nhất của các nhà đầu tư trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 18 tháng chống lại Huy Nhật. Các nhà đầu tư cáo buộc ông Huy Nhật đã chiếm đoạt số tiền 59 triệu USD của họ kể từ năm 2014.
Được biết, các nhà đầu tư tư nhân của Huy Việt Nam, có trụ sở tại Hoa Kỳ và Châu Á, gồm ADV Partners, Fortress Investments, F&H Fenghe, Gryphus Capital, Welkin Capital và AIF Capital cùng những người khác. Các nhà đầu tư này đã chỉ định Cosimo Borrelli và Mitchell Mansfield làm người thanh lý chính thức.
Vào tháng 10/2019, khi các cổ đông của Huy Việt Nam khởi kiện ông Huy Nhật và các cộng sự ra Tòa án Nhân dân TP.HCM, công ty đã phải đóng cửa các cơ sở kinh doanh khác nhau, bao gồm Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Bánh mì lớn, Phở 99 và các thương hiệu TPTea.
Đến tháng 5/2020, các nhà đầu tư tư nhân đã nộp một vụ kiện khác chống lại ông Huy Nhật tại tòa án TP.HCM, với cáo buộc chiếm đoạt 25 triệu USD. Trong hồ sơ mới nhất gửi lên tòa án Hoa Kỳ, số tiền bị chiếm đoạt đã được sửa đổi thành 59 triệu USD, sau cuộc điều tra của các nhà thanh lý.
Các thanh lý viên cũng lưu ý rằng, các báo cáo tài chính mà họ tiếp cận gần đây nhất của Huy Việt Nam là báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2016, tài khoản quản lý chưa được kiểm toán của tập đoàn đến cuối năm 2018 và tài khoản quản lý chưa được kiểm toán của các công ty con trong nước tại thời điểm ngày 30/4/2019.
“Các nhà thanh lý vẫn chưa có đủ bằng chứng, do lượng thông tin có sẵn rất ít, thường bị giấu nhẹm. Người thanh lý không có đủ thông tin để đánh giá độ tin cậy, cũng như tính xác thực của các báo cáo và tài khoản. Hơn nữa, hoạt động của Tập đoàn Huy Việt Nam trong những năm gần đây còn mang tính chất tự doanh, tiêu tán tài sản”, hồ sơ tòa nêu.
Các cáo buộc
Các nhà thanh lý của Huy Việt Nam đã cáo buộc Huy Nhật chuyển đổi trái phép khoản nợ giữa các công ty, chuyển tiền cho các công ty vỏ bọc để thanh toán cho các dịch vụ không tồn tại, các giao dịch bất động sản và sở hữu trí tuệ với giá trị bị thổi phồng.
“Ông Nhật và cộng sự thường xuyên giao dịch bằng USD, bao gồm cả việc giải ngân các khoản vay liên công ty, thanh toán trực tiếp giữa nhóm cộng sự và vợ của ông Nhật. Hơn nữa, ông Nhật sở hữu ít nhất một tài khoản đầu tư trị giá hàng triệu USD và đầu tư vào cổ phiếu của Mỹ”, hồ sơ tòa án cho biết.
Các nhà đầu tư tư nhân đã bơm khoảng 75 triệu USD để đổi lấy 43% cổ phần ưu đãi của Huy Việt Nam kể từ năm 2014. Sau khoản đầu tư này, Huy Việt Nam và Huy Hong Kong (một đơn vị đăng ký tại Hồng Kông của tập đoàn) đã cho các công ty con của tập đoàn vay khoảng 32 triệu USD, thông qua ba thỏa thuận cho vay liên công ty.
“Có vẻ như các công ty con trong nước đã thực hiện các giao dịch đáng ngờ, liên quan đến quyền sử dụng đất ở Việt Nam”, các nhà thanh lý khẳng định.
Theo các nhà thanh lý, năm 2017 có hai giao dịch như vậy. Cụ thể, Huy Việt Nam đã thanh toán tổng cộng 20 triệu USD cho quyền sử dụng đất tại các khu công nghiệp ở Long An và Hà Nội, mà không có sự chấp thuận của cổ đông. Giá được cho là gấp 12 lần giá trị thị trường hợp lý.
Ngoài ra, các nhà thanh lý cũng cáo buộc Món Huế, một thương hiệu nhà hàng do Huy Việt Nam điều hành, có liên quan đến các hợp đồng dịch vụ đáng ngờ vào năm 2018.
Họ chỉ ra rằng, Món Huế đã trả khoảng 13 triệu USD để mua bản quyền thương hiệu của các thương hiệu thực phẩm như “Phở Ông Hùng” và “Great Banh Mi” mà không có sự đồng ý của các nhà đầu tư tư nhân, từ tháng 8/2014 đến tháng 5/2015.
Tuy nhiên, Món Huế đã không đăng ký thương hiệu Phở Ông Hùng với cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam và bị Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phở Hùng khởi kiện vì hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, người bán thương hiệu Great Banh Mi không chính thức tồn tại vào thời điểm mua lại thương hiệu.
"Người bán đã đăng ký khoảng một tháng sau khi mua lại thương hiệu", tài liệu của tòa án cho biết. Người sáng lập cũng đã lừa đảo các quỹ tư nhân "bằng cách trình bày sai về tính hợp pháp của tài khoản ngân hàng do Huy Việt Nam duy trì tại Việt Nam", hồ sơ cho biết.
Với tư cách là người sở hữu duy nhất, ông Nhật nói rằng, tài khoản này nắm giữ phần lớn tài sản của Huy Group. Nhưng vào tháng 9/2019, người ta đã phát hiện ra rằng, tài khoản đó là giả mạo.
Do đó, các nhà đầu tư của Huy Việt Nam thực hiện các hành động pháp lý tại Hồng Kông để chống lại ông Nhật và những người liên quan. Sau đó, tài sản của ông Nhật, được cho là lên tới 84,3 triệu USD, đã bị đóng băng.
Các nhà đầu tư cũng đã nộp đơn khởi kiện đối với ông Nhật, Mon Hue và hai trong số các quản lý của nhà hàng, để cấm họ rời khỏi Việt Nam. Đồng thời, yêu cầu họ tiết lộ thông tin liên quan đến 10 tài khoản ngân hàng do Món Huế duy trì tại Việt Nam.
Vào tháng 11/2019, các nhà đầu tư đã trình một lá thư tố cáo gửi Bộ Công an Việt Nam, yêu cầu mở cuộc điều tra hình sự đối với ông Nhật và các cộng sự của ông.
“Các nhà chức trách đã chấp nhận yêu cầu và hiện đang điều tra”, các nhà thanh lý cho biết, trong hồ sơ ngày 24/2/2021.