Nhiều nhà cửa, quán hàng dọc bờ biển Hội An bị nước biển xâm thực gây sập đổ, cuốn trôi sau nhiều đợt mưa bão liên tiếp. Bão Molave đổ bộ sáng 28/10, sóng biển ăn sâu vào đất liền 7 m, tạo hàm ếch cao 5 m, đánh sập hàng dừa và cuốn theo hàng loạt nhà hàng.
Tại khối phố Tân Thành, phường Cẩm An, nhiều ngôi nhà, quán nhậu, nhà nghỉ bị sóng đánh sập trong bão Molave. Móng, tường nhà, bờ kè đá, cây dừa, dương liễu bị cuốn ra xa.
Một loạt ngôi nhà ở, quán nhậu và nhà nghỉ bên bờ biển khối phố Tân Thành, phường Cẩm An bị sóng đánh sập đổ tháng 10/2020. Ảnh: Đắc Thành. |
Những năm vừa qua, để chống sạt lở khẩn cấp, bãi biển Cửa Đại ở phía Nam Quảng An đã được chính quyền huy động người dùng bao tải làm kè. Trước cơn bão vừa qua, hàng trăm người bỏ hàng trăm bao tải cát gia cố nên đoạn Cửa Đại không bị sạt lở sâu. Hiện tượng sạt lở chủ yếu diễn ra ở bờ biển phía Bắc.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch TP Hội An, nói: "Sạt lở kéo dài, phương án chống vượt quá khả năng của thành phố".
Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết: "Sang năm, chúng tôi tiếp tục thực hiện 1km từ nguồn vốn Trung ương đã được phê duyệt 300 tỷ đồng". Hiện, Ban đang thực hiện dự án đê ngầm 220 m với vốn đầu tư 40 tỷ đồng để chắn, phá sóng từ xa cho Hội An. Ông Điềm cũng thông tin để thực hiện dự án đê ngầm dài hơn 7 km ở biển Hội An hết khoảng 2.000 tỷ đồng.
Từ năm 2000 đến nay, bờ biển Hội An đoạn Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng, dù đã có hàng trăm nghìn tỷ được bỏ ra để chống sạt lở vẫn không hiệu quả. Theo các chuyên gia, nguyên nhân xói lở bờ biển Hội An chủ yếu là thay đổi cán cân bùn cát, do dòng chảy và tác động của con người.