Chiều 28-7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19, lãnh đạo TP.HCM cho biết có việc số đông bà con, khoảng 300 người đi xe máy về quê ở các tỉnh ĐBSCL nhưng bị kẹt tại quốc lộ 1, đoạn giáp ranh giữa huyện Bình Chánh và tỉnh Long An chiều tối 27-7. Những người này bị dồn ứ tại chốt kiểm soát dịch, lực lượng chức năng tỉnh Long An và TP.HCM đã phối hợp đưa họ về quê. Tuy nhiên có nhiều người có thái độ kích động, chửi thề, rú ga, bóp còi xe inh ỏi, “đòi thông chốt”.
Ảnh minh họa. |
Theo ThS - luật sư Cao Ngọc Sơn, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang, hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19 được biểu hiện ở nhiều hình thái, mức độ khác nhau.
Có những hành vi rất đáng lên án vì sự cố ý gây tổn hại đến sức khỏe của cộng đồng và thách thức sự nghiêm minh của pháp luật.
“Hành vi không đeo khẩu trang, vứt khẩu trang không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 117/2020. Trường hợp các hành vi này làm lây lan dịch bệnh cho người khác sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 240 BLHS 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, mức phạt cao nhất có thể đến 12 năm tù” - ThS - luật sư Sơn nêu quan điểm.
Những người thi hành công vụ phải tuân theo quy định về giãn cách xã hội, một mặt phải bảo đảm cho người dân được trở về nhà một cách trật tự.
“Áp lực dành cho những tỉnh đang có ca nhiễm ngày càng tăng và là cửa ngõ như Long An là rất lớn. Chính quyền buộc phải thắt chặt quy định, quá trình xử lý có thể dẫn đến va chạm khó tránh.
Do vậy, nếu người dân bị chặn lại chốt, không di chuyển được thì hãy tự kiềm chế, vì cái chung, đặt sức khỏe, tính mạng của cộng đồng là trên hết; tránh va chạm, chống đối lực lượng chức năng hay kích động bạo lực. Đây là điều tuyệt đối tránh để không bị vướng vào lao lý bởi các tội hình sự tương ứng. Điều cần làm là nên liên hệ chính quyền địa phương, các đoàn thể để có hướng giải quyết đúng đắn” - ThS - luật sư Sơn chia sẻ.