Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh và gây bệnh. Đặc biệt trẻ em, với sức đề kháng yếu, rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khi giao mùa.
Tại nhiều bệnh viện, số trẻ em đến khám đã tăng nhanh, nhiều gia đình phải cho con nghỉ học vì ốm, sốt.
Trẻ đến khám tăng ở nhiều bệnh viện
Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba) chị N.T.H, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội bế con gái 3 tuổi sốt 39 độ C đang quấy khóc.
Qua thăm khám cho bé, bác sỹ thấy có ho, nhiều dịch ở mũi họng, rối loạn tiêu hóa, người mệt. Chính vì vậy, bác sỹ đã chỉ định xét nghiệm máu để loại trừ các khả năng mắc cúm, sốt xuất huyết hay sốt virus. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé mắc cúm B.
Trẻ đến khám tại Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-CuBa. (Ảnh: T.G/Vietnam+) |
Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân - Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba) cho hay mấy tuần gần đây số bệnh nhi tới khám và nhập viện gia tăng đột biến. Nếu thông thường một tuần tại khoa ghi nhận khoảng 1.200 bệnh nhi tới khám thì 1-2 tuần nay, mỗi tuần ghi nhận tới gần 2.000 bệnh nhân tới khám.
“Hầu hết trẻ tới khám mắc các bệnh về hô hấp là chính và mắc cúm A, cúm B hay sốt virus, sốt xuất huyết. Đáng lưu ý, gần đây nhiều trẻ mắc bệnh cúm B - tăng đột biến so với cùng kỳ của các năm và tăng nhiều nhất vào thời điểm trời chuẩn bị bước vào đợt lạnh. Tuần qua tại Khoa đã ghi nhận 100 trường hợp trẻ mắc cúm B,” Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân cho hay.
Theo bác sỹ Xuân, trẻ mắc bệnh cúm A cao điểm vào tháng 7,8,9 vừa qua, hiện nay từ tuần thứ hai của tháng 10 đang bùng phát trẻ mắc bệnh cúm B.
Còn tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa cho biết gần đây số bệnh nhân tới khám cũng gia tăng đáng kể. Mỗi ngày tại Trung tâm tiếp nhận khoảng 400-450 bệnh nhân tới khám, trong khi trước đó thường dao động quanh ngưỡng hơn 300 bệnh nhân tới khám/ngày. Vì vậy, số bệnh nhân có chỉ định nhập viện cũng tăng lên, khoảng gần 30 bệnh nhân/ngày. Hiện nay 130 giường bệnh của Trung tâm đều kín hết bệnh nhân.
Theo tiến sỹ Nam, hai tháng gần đây các bệnh nhân tới khám ở nhiều mặt bệnh khác nhau, với các biểu hiện như ho, sốt, đi ngoài, đặc biệt có nhiều trường hợp sốt virus.
Thời điểm giao mùa dễ phát triển nhiều bệnh
Theo các chuyên gia, nguyên nhân số bệnh nhi tăng đột biến thời gian gần đây là do đang là thời điểm giao mùa dễ phát triển một số bệnh do vi khuẩn, virus lây nhiễm qua đường hô hấp như cúm A, cúm B, sốt virus, viêm mũi họng…, bệnh sốt xuất huyết và đặc biệt thời gian gần đây số ca mắc virus Andeno ngày càng gia tăng.
Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến ngày 16/10, Hà Nội đã ghi nhận 3.938 bệnh nhân dương tính với virus Adeno (ghi nhận thêm 1.168 trường hợp so với số báo cáo ngày 5/10). Các bệnh nhân dương tính Adenovirus phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, đã có 3 trường hợp tử vong (Mỹ Đức (1), Phú Xuyên (1), Tây Hồ (1).
Một số quận huyện ghi nhận số ca mắc Adeno cao như: Hoàng Mai (356), Hà Đông (312), Đống Đa (302), Nam Từ Liêm (289), Thanh Xuân (262).
Đáng chú ý, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đang vào thời điểm giao mùa Thu-Đông. Đây là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan và phát triển. Dự báo số ca mắc Adeno virus có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo bác sỹ Nam, niện chưa có vaccine phòng ngừa Adenovirus, vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vaccine phòng bệnh đang sẵn có.
Về bệnh cúm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Anh Xuân chỉ rõ cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus Influenza gây ra, bệnh cúm tấn công hệ hô hấp thông qua mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi ngay cả khi không can thiệp điều trị. Tuy nhiên, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…
Hiện nay, virus gây bệnh cúm ở người được chia làm 3 chủng cúm A, B, C; trong đó cúm A là loại cúm rất phổ biến, có thể lây truyền từ động vật sang người. Các đại dịch cúm trong lịch sử phần lớn do chủng cúm A gây ra, như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1… Cúm C có hiểu hiện bệnh rất nhẹ, ít lây nhiễm ở người. Cúm B là một dạng của virus cúm, cúm B cũng có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa và có thể lây truyền quanh năm.
Virus cúm B chỉ có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền qua động vật như cúm A. Triệu chứng cúm B thường nhẹ và ít nguy hiểm hơn khi so sánh với các biểu hiện của bệnh cúm A. Hai loại cúm này cũng đồng thời kết hợp và gây nên bệnh cúm mùa hàng năm.
Cúm B nói riêng và bệnh cúm nói chung thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, rất dễ lây sang người khỏe mạnh khi người bệnh ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm virus sau đó chạm tay vào mũi, miệng cũng làm tăng khả năng nhiễm cúm.
Để phát hiện sớm và chăm sóc điều trị trẻ cho trẻ đúng cách, bác sỹ Nam khuyến cáo gia đình cần tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách sinh hoạt khoa học như ăn uống đầy đủ, ngủ sớm; cách ly trẻ có triệu chứng với bệnh truyền nhiễm; cho trẻ đi tiêm vaccine đúng lịch và đầy đủ; thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ, tránh để vi khuẩn, virus xâm nhập. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho… đưa trẻ đến bệnh viện để được khám chữa, cấp đơn và dùng thuốc theo đúng bệnh.
Các bác sỹ cũng lưu ý với cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, không có bệnh lý gì đặc biệt thì chỉ sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như mặc quần áo thoáng mát, nằm phòng đủ ấm hoặc trườm ấm cho trẻ.
Cha mẹ cũng cần tăng cường chế độ dinh dưỡng để trẻ tăng sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe: Đối với trẻ bú mẹ, cho trẻ bú theo nhu cầu, bú nhiều lần hơn so với bình thường. Với trẻ lớn, chuẩn bị cho trẻ các thức ăn mềm, dễ nuốt, cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày; Tăng cường rau xanh, trái cây./.