Gần đây, quảng cáo thuốc đông y "nhà tôi 3 đời nhận chữa", “chỉ cần để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn tận tình miễn phí", hay thuyết phục hơn “không khỏi không lấy tiền”... xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội YouTube khiến người dùng khó chịu.
Trên thị trường các loại thực phẩm chức năng, thuốc đông y có giá bán dao động 400.000-1,5 triệu đồng nhưng thực chất sản phẩm chỉ có giá vài chục nghìn đồng.
Ví dụ, một sản phẩm chữa xương khớp có giá bán trên thị trường là 1,3 triệu đồng/hộp nhưng thực chất đầu mối báo giá nhập sỉ loại thực phẩm chức năng này chỉ 62.000 đồng/hộp nếu lấy số lượng dưới 1.000 hộp, trên 1.000 hộp giá chỉ còn 58.000 đồng/hộp. Từ giá sỉ tới giá bán lẻ bán ra, các đơn vị kinh doanh loại thuốc xương khớp này lãi khoảng trên 2.200%. Đáng nói, sản phẩm được khẳng định có đầy đủ giấy chứng nhận, kể cả hoá đơn VAT.
Các cơ sở kinh doanh loại thuốc đông y này liên tục tuyển nhân viên telesale với mức lương cứng mỗi tháng chỉ 3-4 triệu đồng nhưng thưởng hoa hồng bán sản phẩm lên đến 10-20 triệu đồng. Rất nhiều người đã tham gia vào hoạt động kinh doanh trái phép này.
Ông Trần Quốc Thúc, Phó chủ tịch Hội Đông Y quận 1, TP.HCM chia sẻ: “Xem qua hình thức trình bày của các mẩu quảng cáo, tôi nghi ngờ về uy tín của các cơ sở này. Những đơn vị chất lượng thật sự như các bệnh viện, nhà sản xuất thuốc lớn, có chuyên môn sẽ không truyền thông kiểu như vậy”.
Ngày 1/12, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã thành lập Tổ công tác 399 gồm 11 thành viên là nòng cốt, chuyên gia từ các bộ ngành để thực hiện Kế hoạch 399/QĐ-BCĐ389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Sau khi được thành lập tổ sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát các trang website, lập danh sách các trang có quảng cáo sai sự thật, gian lận thông tin trên thương mại điện tử.
"Thuốc giả, rồi thực phẩm chức năng kém chất lượng bán đầy rẫy trên mạng, chúng ta nên tập trung xử lý mặt hàng này trước vì dễ nhận diện", ông Đàm Thanh Thế chỉ đạo.