Gần đây, ở Hà Nội xuất hiện nhiều trường hợp trẻ nhỏ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng cấp độ 2. Trong 3 tuần vừa qua, Bệnh viện E đã tiếp nhận 10 - 15 trường hợp tới khám vì tay chân miệng.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện E (Hà Nội), bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc với virus gây bệnh, virus phát tán ra bên ngoài cơ thể người bệnh theo đường chất thải, nốt phỏng nước hoặc dịch tiết hô hấp. Đây là bệnh có thể gặp quanh năm nhưng thường là tháng 4-6 và tháng 9-10.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Văn Quý. |
Biểu hiện của bệnh bao gồm 4 mức độ:
- Một là có dấu hiệu ở da, niêm mạc như phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay các nếp nhăn ở khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng và có thể điều trị tại nhà.
- Mức độ 2 trở lên, bệnh nhân sẽ sốt li bì, giật mình, run tay chân, đi đứng loạng choạng. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn xuất hiện triệu chứng tại cơ quan hô hấp và tuần hoàn như suy tuần hoàn, phù phổi cấp,...
Bệnh viện E vừa tiếp nhận 4 trường hợp đều là bé trai 13-17 tháng bị sốt cao, nổi phòng nước trên da và hay giật mình, có bệnh nhi còn bị giật mình 10 phút/lần trong đêm. Đến nay, sức khoẻ các bé đã ổn định, tỉnh táo, hạ sốt và hết hiện tượng giật mình. Chỉ có một trường hợp xác định được nguồn lây nhiễm là người anh trai bị tay chân miệng cách đây một tuần. Các trường hợp còn lại đều không rõ nguồn lây.
Bệnh tay chân miệng đến từ virus đường ruột Enterovirus với hai loại thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Chính vì vậy chúng tồn tại ở bên trong cơ thể, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều loại virus khác nhau qua mỗi năm. Hiện nay, tay chân miệng chưa có vaccine và thuốc đặc trị.
Các biến chứng có thể xảy ra là biến chứng về thần kinh, tổn thương ở thân não dẫn đến liệt, bại não,... Các di chứng có thể xảy ra là: di chứng về vấn đề hô hấp như khó thở, tổn thương trung tâm hô hấp, yếu cơ và liệt cơ hay tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương và phù phổi dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Quý khuyến cáo nên giữ bình tĩnh khi xử lý trường hợp trẻ bị tay chân miệng. Ví dụ ở mức độ 1 có thể chăm sóc tại nhà, nếu sốt hoặc phát ban thì cần đi khám ngay.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn. Sau khi về nhà, người lớn nên rửa tay, thay đồ rồi mới tiếp xúc và tiến hành chăm sóc trẻ.
Cách ly trẻ tối đa khi mắc bệnh, không để tiếp xúc với các bạn khác, thông báo cho nhà trường và cho trẻ nghỉ học. Đồng thời báo trung tâm phòng tránh bệnh tật tại địa phương để có biện pháp khử khuẩn và phòng ngừa.
Trẻ bị tay chân miệng có thể biếng ăn, đặc biệt là một số trẻ bị loét miệng. Phụ huynh cần đảm bảo cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, có thể thay thế bằng sữa, cháo khi trẻ khó ăn.
Đặc biệt, cha mẹ nên bổ sung các chất nhằm tăng đề kháng như nước hoa quả, sữa chua,... Cha mẹ nên cố gắng cho trẻ ăn như hàng ngày, thậm chí ăn nhiều hơn do lúc này, trẻ cần nhiều năng lượng hơn để hồi phục nhanh chóng.