• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2020: Xuất khẩu lập đỉnh cao mới

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm...

Con số này đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục cân bằng được cán cân thương mại, ghi nhận xuất siêu 5 năm liên tiếp.

Đây là một kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trong suốt cả năm 2020.

Năm 2020 xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục 19,1 tỷ USD.
Năm 2020 xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục 19,1 tỷ USD.

Về đích ngoạn mục

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), mới vào những tháng đầu tiên của năm 2020, dịch COVID-19 đã xuất hiện kéo theo hàng loạt khó khăn khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng loạt ngành nghề sản xuất bị đình/hoãn, chậm trả, thậm chí dừng/hủy đơn hàng khiến doanh nghiệp lao đao.

Đứng trước bối cảnh này, nhiều giải pháp khơi thông các thị trường có chung đường biên giới đã được mở ra như việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng tìm kiếm đối tác, bạn hàng trong cả chiều cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào lẫn hướng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.

Chính vì vậy mà không ít lĩnh vực, ngành hàng đã tìm hướng đi và “thoát hiểm” từ các thị trường ngách, sản xuất các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh mà thị trường ngoài nước đang khan hiếm như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ y tế…giúp xuất siêu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020 xuất khẩu của hầu hết các quốc gia đều giảm nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. 

Điều này hoàn toàn phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đáng lưu ý, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục 19,1 tỷ USD. Mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Đồ họa: Tất Đạt
Đồ họa: Tất Đạt

Phân tích từ các chuyên gia, ngược trở lại 9 năm trước, năm 2011, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam vẫn đang phải nhập siêu gần 10 tỷ USD hàng hóa và nhiều năm trước đó nhập siêu vẫn luôn hiện hữu trong nền kinh tế.

Đây là minh chứng cho thấy, để có được con số xuất siêu ấn tượng trong 5 năm trở lại đây với mức thặng dư tăng đều qua các năm, Việt Nam đã có chiến lược đúng đắn về xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại cao cấp đã chỉ ra rằng, bên cạnh việc khai thác tốt các thị trường truyền thống, thời gian qua Việt Nam mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Điều này giúp doanh nghiệp trong nước tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản vốn là lợi thế của Việt Nam.Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp đã và đang tạo động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như thu hút mở rộng đầu tư.

Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực, khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng cao vượt khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Mặc dù đạt kết quả khả quan, song theo ông Phạm Tất Thắng, sở dĩ có được con số xuất siêu kỷ lục trong năm nay một phần do nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu và thiết bị phục vụ cho sản xuất, chế biến chậm lại. Điều này cho thấy, sản xuất trong nước vẫn chưa có sự hồi phục hoàn toàn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương và duy trì xuất siêu liên tiếp đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của cả nền kinh tế.

FTA chắc chắn sẽ kéo theo sự dịch chuyển về đầu tư, thương mại, nhất là nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa: ANTĐ
FTA chắc chắn sẽ kéo theo sự dịch chuyển về đầu tư, thương mại, nhất là nhân lực chất lượng cao. Ảnh minh họa: ANTĐ

FTA vẫn tiếp tục là lực đẩy 

Nhận định về xuất khẩu năm 2021, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: Năm 2021 các FTA vẫn tiếp tục là lực đẩy cho xuất khẩu bởi hiện nay các FTA Việt Nam đang thực thi và đã có hiệu lực là cơ hội lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi ở Việt Nam, nhất là lĩnh vực thương mại.

Không dừng lại ở đó, các FTA còn gắn chặt với quá trình tái cấu trúc, sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp sản xuất trong thời gian 5-7 năm trở lại đây, cũng như tác động sau 2 đợt dịch COVID-19. Sự chuyển dịch diễn ra cả về nội hàm, đối tác, đi kèm đó là các dòng đầu tư đang diễn ra khá mạnh mẽ.

Vì vậy, sự tác động của các FTA ngoài cái nhìn thuần túy về thị trường còn mang đến hiệu quả lớn về đối tác, công nghệ lõi, mặt hàng chiến lược. Bởi ngoài xuất khẩu, các FTA chắc chắn sẽ kéo theo sự dịch chuyển về đầu tư, thương mại, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2021 Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu.

Do đó, Bộ Công Thương xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng; trong đó lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại và những tác động của dịch COVID-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục tập trung tái cơ cấu qua việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả hơn để chinh phục đỉnh cao mới.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật