Thông tin đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc Kim Ki Duk mất ở tuổi 59 vì biến chứng của Covid-19 ngày 11/12 trong chuyến công tác tại Latvia đang khiến người hâm mộ không khỏi bàng hoàng.
Đối với Hàn Quốc, ông là một vị đạo diễn tài ba được mệnh danh là "huyền thoại điện ảnh Hàn". Những tác phẩm của ông chứa đựng nhiều yếu tố gây sốc cho khán giả, phản ánh thế giới quan khác lạ mà hiếm ai có được.
Đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk. Ảnh: Imdb. |
Kim Ki Duk đã từng nói trên tạp chí Điện ảnh Hàn Quốc ngày nay rằng: “Có người hỏi tôi có phải người tốt không, câu trả lời của tôi thường là “Tôi không phải là người hoàn hảo'”. Nhưng tôi không ngại cho thấy những mặt trái, cảnh nghèo túng trong xã hội Hàn Quốc. Đó là hành động chính nghĩa của tôi. Tôi có thể làm các bộ phim trong sạch hơn thế, nhưng tôi không muốn bị mang tiếng là “làm phim tầm thường”. Tôi cũng sợ sự thiếu sáng tạo trong phim vì tôi đã từng làm những bộ phim gây tranh luận.”
Những bộ phim gắn liền với tên tuổi của ông đạt được nhiều thành công lớn đó là Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân; Pieta; Samarita Girl, Bad Guy, Time, Moebius...
Bad Guy (Gã tồi, 2001)
Bộ phim xoay quanh nhân vân Han-ki (do Jo Jae-hyeon đóng) - một tên môi giới ngầm trong khu phố đèn đỏ ở Seoul. Anh chàng có cảm tính với Sun-hwa (do Won Seo vào vai). Để chiếm được trái tim người đẹp, anh đã dàn dựng lên một vở kịch và tự biến mình thành anh hùng cứu giúp cô và gia đình.
Đây là bộ phim đầu tiên của đạo diễn Kim Ki Duk thành công về doanh thu tại Hàn Quóc. Xuyên suốt bộ phim, nhân vật Han-ki và Sun-hwa tác động qua lại với nhau, nhưng thực ra Han-ki chỉ nhìn Sun-hwa qua kính chắn, chi tiết này giống như một sự ẩn dụ về sự khác biệt đẳng cấp giữa họ.
Tác phẩm từng đoạt giải Đại Chung hạng mục Nữ diễn mới xuất sắc, giải Orient Express tại Liên hoan phim quốc tế Catalonia của Tây Ban Nha và nhận đề cử Gấu vàng ở Liên hoan phim quốc tế Berlin. Bad Guy được coi là một trong những phim thành công nhất, mang đậm dấu ấn cá nhân nhất của Kim Ki Duk. Đó là dùng bạo lực và tình dục để phản ánh hiện thực xã hội.
3-Iron (Bộ 3 nghịch cảnh, 2004)
Diễn viên chính của phim là Jae Hee vào vai Tae-suk chuyên trị vào các ngôi nhà bỏ không ở nhờ. Có lần anh ta đã vào nhà của Sun-hwa (do Lee Seung-yeon đóng), vì tưởng nhà bỏ không và vô tình chứng kiến cảnh cô bị bạo hành bởi người chồng của mình. Việc này cứ mãi ám ảnh anh khiến anh phải quay về đó giải thoát cho cô.
Bộ phim gây được tiếng vang lớn nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi. Nhân vật chính không có thoại, nhưng những hành động và cảm xúc của anh lại được đạo diễn Kim Ki Duk xây dựng một cách khéo léo. Tuy nhiên phim cũng bị phê bình vì đả kích thực trạng bạo hành gia đình, phá vỡ hôn nhân.
Pieta (Sự cứu rỗi, 2012)
Gang-do (do Lee Jung-jin đóng) là một tên đòi nợ thuê khét tiếng tàn ác, dai dẳng và sẵn sàng ra tay nếu con nợ không có tiền trả. Một ngày nọ, hắn bị làm phiền bởi một người phụ nữ tên là Mi-seon tự nhận mà mẹ của hắn. Gang-jo nhất quyết không chấp nhận sự thật này nhưng bà Mi-seon vẫn kiên nhẫn thuyết phục, chăm sóc cho con trai, làm Gang-do dần dần thay đổi tình cảm và đón nhận mẹ.
Pieta chứa nhiều cảnh làm người xem phải ghê rợn, như cảnh đục bàn tay của người vay nặng lãi bằng mũi khâu, cảnh đạp gãy chân, cảnh người phụ nữ đồng ý bán thân để cứu chồng, cảnh nam chính tự trừng phạt bản thân bằng cách để xe tải kéo lê trên đường...
Pieta là bộ phim mới đây của đạo diễn Kim được thế giới tán dương, được đề cử trong hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất trong giải thưởng Oscar lần thứ 85. Phim đoạt giải Sư tử vàng trong Liên hoan phim Venice và 3 giải thưởng lớn khác nữa, có cả giải do khán giả trẻ bình chọn.
Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring (Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân, 2003)
Bộ phim có kết cấu gồm 5 phần, kể về cuộc đời một nhà sư từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, trong đó nội dung chính là tình yêu “phạm luật” giữa một chú tiểu và người con gái trẻ đẹp. Để rồi khi trót phá giới, tình yêu kia cũng vụt tan, khi người đàn ông cô độc lại trở về với Phật pháp cùng sự tĩnh lặng đến nao lòng của công việc trông coi ngôi chùa nằm lọt thỏm giữa thiên nhiên hoang dã.
Bốn mùa trong thiên nhiên làm phép ẩn dụ cõi trần có phần chua cay. Mỗi mùa có một vẻ khác nhau. Câu chuyện được kể theo trình tự thời gian, toàn bộ phim phản ánh tư tưởng đạo Phật, vòng luân hồi tự nhiên.
Hàng loạt giải thưởng như C.I.C.A.E., Don Quixote, giải thưởng của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Locarno, giải thưởng Khán giả bình chọn của Liên hoan phim quốc tế San Sebastian, giải Đại Chung Phim xuất sắc nhất 2004 là bằng chứng rõ nhất về sự thành công của tác phẩm.
Time (Thời gian, 2006)
Bộ phim kể lại một câu chuyện tình yêu của hai người luôn kiếm tìm sự viên mãn. Họ cứ mải miết theo đuổi nhưng thứ hư vô và cuối cùng là đánh mất nhau. Ngời vợ Seh-hee (do Park Ji-yeaon đóng) thường xuyên cảm thấy chồng mình là Ji-woo (do Ha Jung-woo đóng) chán ghét mình. Cô quyết định phẫu thuật thảm mỹ để tìm lại tình yêu của chồng.
Trong phim đạo diễn lặp lại các cảnh quay, sự pha trộn và các địa điểm để gây hiệu ứng nhắc lại, sự thân thuộc và thời gian. Để phim nhẹ nhàng hơn với khán giả, đạo diễn Kim vẫn tạo ra một số cảnh quay vui vẻ gây cười cho khán giả và nhân vật.
Moebius (Vòng tròn tội lỗi, 2014)
Người cha ngoại tình với cô hàng xóm, người mẹ biết được, trong cơn ghen điên cuồng đã cầm dao định cắt dương vật của người cha nhưng không thành. Sau đó người mẹ quay sang phòng của cậu con trai, cắt đứt bộ phận sinh dục của cậu rồi nhai ngấu nghiến.
Bộ phim có những cảnh quay và chi tiết rùng rợn khiến khán giả phải buồn nôn. Trong phim không hề có lời thoại, chỉ có hành động. Thay vào đó là gây chú ý bởi loạt âm thanh tự nhiên như tiếng chà xát của đá lên da, tiếng dao khứa sâu vào thịt, tiếng gào thét, rên rỉ của những người phụ nữ. Dù chỉ một âm thanh hiền lành như tiếng đặt ly rượu trên bàn hay tiếng nhai bánh mì giòn rụm cũng có thể khiến khán giả giật mình.
Đặc biệt cảnh nhân vật dùng dao cắt bộ phận sinh dục xuất cũng như cảnh quan hệ tình dục giữa những người trong gia đình đã gây ám ảnh và khiến phim bị phản đối dữ dội.