5h sáng 15/7/2020, các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu tiến hành phẫu thuật tách hai bé gái song sinh dính liền nhau. Theo giới chuyên môn nhận định, đây là ca mổ rất khó, hiếm gặp trong lịch sử ngành y.
Hiện đang có khoảng 100 y, bác sĩ đang tiến hành ca phẫu thuật và dự kiến sẽ kết thúc vào 16h chiều cùng ngày (15/70.
Hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi trước ca mổ |
Từ chiều tối qua, hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi đã được các điều dưỡng chăm sóc, chuẩn bị sẵn sàng tại phòng vô trùng ở khoa Hồi sức sơ sinh. Tất cả đã sẵn sàng cho ca đại phẫu dự kiến kéo dài 12 tiếng thay đổi số phận các cháu.
Sinh ra với một hình hài không nguyên vẹn, nương tựa nhau bằng những cơ quan, nội tạng duy nhất cho cả hai cá thể. Trúc Nhi và Diệu Nhi đã gắn bó với Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố từ lúc còn trong bụng mẹ. Lúc đó các bác sĩ đã mường tượng được sự dính nhau phức tạp của 2 con, nhưng ba mẹ đã quyết tâm nuôi dưỡng 2 con cho đến ngày chào đời. Và hôm nay, có thể được ví như ngày 2 bé được sinh ra lần thứ 2.
Hơn 100 y, bác sĩ đã cùng phối hợp tiến hành ca phẫu thuật cho 2 bé Trúc Nhi và Diệu Nhi |
Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử ngành Y của Việt Nam từ trước tới nay, thì những ca phẫu thuật tương tự như 2 bé Trúc Nhi và Diệu Nhi đã gặp không ít, và chúng ta hoàn toàn có thể tự hào bởi những tiến bộ về trình độ và kỹ thuật của các Y, bác sĩ Việt Nam ta.
Dấu ấn Việt- Đức của hơn 30 năm về trước
Nổi tiếng nhất và tạo dấu ấn đậm nhất cho ngành Y của Việt Nam có lẽ phải nhắc đến cặp song sinh Việt – Đức (Hà Giang) 30 năm về trước.
Khi đó, lúc vừa được chào đời hai anh em Việt và Đức đã bị dính liền ngực, bụng cùng bộ phận sinh dục và hậu môn. Sau đó, gia đình đã đưa hai bé đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để tiến hành phẫu thuật
30 năm trước, cặp song sinh Việt- Đức đã đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc của ngành Y Việt Nam |
Vào đầu năm 1988, sau một thời gian theo dõi, kiểm tra các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức đã quyết định tiến hành phẫu thuật tách rời hai bé. Đây cũng chính là ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh thành công đầu tiên tại Việt Nan. Và cũng chính là niềm tự hào của ngành Y học Việt Nam, khi lần đầu tiên có đến hơn 70 bác sĩ đầu ngành cả trong và ngoài nước quy tụ và thực hiện phẫu thuật.
Tuy nhiên, sau cuộc phẫu thuật tách rời thành công, bé Việt đã rơi vào tình trạng sống thực vật, không còn ý thức như người em trai của mình. Sau đó, Việt bị hội chứng não cấp, hôn mê sâu và không lâu sau đó đã qua đời.
Hiện tại, anh Đức vẫn đang sống khỏe mạnh và hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình tại TP.HCM.
Hành trình tìm lại cuộc sống cho Cúc An
Ca mổ tách rời của hai bé Cúc – An được đánh giá là rất phức tạp vì hai bé có chung nhiều cơ quan nội tạng như gan, đường tiêu hóa, màng tim, cơ hoành, xương ức. Đặc biệt, bé An lại bị dị tật tim bẩm sinh, Cúc bị u máu ở cánh tay và ngực nên ca phẫu thuật càng trở nên khó khăn hơn.
Hai bé Cúc, An nay đã trưởng thành và khỏe mạnh |
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiên đoán, nếu cứu sống cả hai khả năng thành công là 50 – 60%, nếu cứu sống một trong hai thì cơ hội khoảng 70%. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 8 tiếng đã được tường thuật trực tiếp trên một số báo vào thời điểm đó. Ca phẫu thuật đã thành công và hiện giờ, An – Cúc đã là hai thiếu nữ xinh xắn, học giỏi, khỏe mạnh.
Phẫu thuật tách rời thành công hai bé sơ sinh 16 ngày tuổi dính liền gan
Năm 2010, hai bé trai sơ sinh 16 ngày tuổi dính nhau một phần lớn ở gan và xương ức quê Bến Tre được các bác sĩ Nhi đồng 1 phẫu thuật tách rời thành công.
Hai bé dính nhau ở phần bụng và xương ức, gan cũng dính trên diện rộng (12x15cm), hai hệ tĩnh mạch cửa có nhánh thông nhau. Đồng thời, cả hai bé đều bị bệnh tim bẩm sinh, một bé có biểu hiện tím tái. Ngày 12/1 bé này đã bị biến chứng dẫn đến suy tim và phù nên các bác sĩ quyết định mổ sớm.
Ê-kíp phẫu thuật gồm 20 người và do chính Ths.BS Đào Trung Hiếu - PGĐ Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp trực tiếp phẫu thuật. Ca mổ được tiến hành từ 9h đến 12h trưa. Các bác sĩ đã tách phần gan dính nhau, khống chế các mạch máu nối giữa hai gan, đồng thời tách các phần dính còn lại. Cuối cùng, các bé đã được tái tạo thành bụng từ các cơ.
Tách thành công ca song sinh dính liền tim-gan
Vào ngày 26/11/2013, Y học Việt Nam đã ghi nhận thêm một ca phẫu thuật tách rời thành công cặp song sinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM). Ca phẫu thuật tương đối phức tạp khi hai bé Long – Phụng bị dính liền ở tim và gan. Ca phẫu thuật kéo dài liên tục trong vòng 12 giờ đồng hồ.
Bé Long có sức khỏe tốt hơn nên quá trình phẫu thuật tiến hành rất suôn sẻ, riêng bé Phụng vì không có phần xương ức và mất rất nhiều da nên bác sĩ đã tạo phần xương nhân tạo và kéo da cho bé. Đây được xem là ca mổ tách song sinh dính liền nhau phức tạp nhất được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM)
Và hy vọng, ngành y học Việt Nam sẽ ngày càng tiến bộ và có thêm nhiều hơn nữa những thành công vượt bậc, để các em có thêm nhiều cơ hội tìm lại được nụ cười.