• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cô gái vàng điền kinh Việt : Khi "vạch đích" cũng là nhà

Tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023, Việt Nam đã có HCV 4X400m nữ. Đó là thành tích của...

Tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2023, các chân chạy Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh đã giúp Việt Nam giành huy chương vàng nội dung 4x400m nữ với thành tích 3 phút 32 giây 36. Kết quả này nhanh hơn 69% giây so thông số ở kỳ SEA Games cách đây hai tháng.

Từ nỗ lực vượt qua khó khăn

"Khi Nguyễn Thị Ngọc bị các đối thủ bỏ xa ở chặng đầu, tất cả các thành viên trong đội đều vô cùng hồi hộp. Phải tới chặng thứ ba, với đoạn bứt tốc vượt trội của chị Nguyễn Thị Huyền, hy vọng giành huy chương mới mở ra. Dẫu vậy, tôi đã phân bổ sức chưa hợp lý ở 200m đầu dẫn đến bị hụt hơi khi bước vào 100m cuối. Rất may, khoảng cách so các đối thủ còn đủ để bứt tốc, cán đích và giành huy chương vàng", Nguyễn Thị Hằng vẫn chưa hết xúc động khi nhớ về ngày hôm ấy.

Niềm vui của các VĐV điền kinh nữ khi giành HCV 
Niềm vui của các VĐV điền kinh nữ khi giành HCV 

So với đội hình thi đấu ở SEA Games 32, danh sách xuất phát có đôi chút xáo trộn. Hai gương mặt trẻ là Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh vẫn đảm nhiệm hai vị trí đầu tiên, nhưng Nguyễn Thị Huyền được đẩy lên chạy ở lượt ba và Nguyễn Thị Hằng được kéo xuống cuối. Đây được xem như vô cùng thay đổi hợp lý, nhằm giảm tải áp lực cho Nguyễn Thị Huyền vừa kết thúc chưa tốt nội dung 400m vượt rào trong ngày trước đó. Chân chạy Hà Nội Nguyễn Thị Hằng không quá trẻ như Ngọc và Hạnh (mới lần đầu tham dự giải châu Á) và có sự chín chắn nhất định để vượt qua sức ép của lượt chạy mang tính quyết định.

Ở giải đấu lần này, chúng ta có sự chuyển giao mạnh mẽ về mặt lực lượng. Vì thế, Ban huấn luyện cũng xác định không đặt nặng thành tích, chỉ xem Giải vô địch châu Á 2023 là bước chạy đà quan trọng nhằm hướng tới ASIAD 19, đồng thời cũng là cơ hội để các chân chạy cạnh tranh, cọ xát và tích lũy kinh nghiệm để hướng tới các giải đấu lớn hơn trong tương lai. Dù nhập cuộc với tinh thần thoải mái, việc vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh để cán đích ở vị trí thứ nhất giải châu lục cũng là kết quả khiến giới chuyên môn hoàn toàn bất ngờ.

Kể từ SEA Games 31, các vận động viên phải liên tục tham gia Đại hội Thể dục-Thể thao toàn quốc rồi đến SEA Games 32. Sau Giải vô địch điền kinh châu Á, chỉ hai tháng nữa thôi, ASIAD 19 sẽ đến ngày khai màn. Dẫu biết, lịch thi đấu dày đặc cũng là cơ hội để các chân chạy thể hiện tài năng của mình. Nhưng đồng thời, khoảng thời gian ấy cũng là lúc từng cá nhân miệt mài, nỗ lực để cải thiện từng phần trăm giây.

Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí thường niên chưa tới năm tỷ đồng, Đội tuyển điền kinh Việt Nam rất khó trang trải cho tất cả các hoạt động, nên khâu tập huấn và thi đấu quốc tế cũng bị hạn chế nhiều. Ngay như trường hợp của đội tuyển điền kinh Hà Nội, việc không thể ra nước ngoài cọ xát, rèn luyện, nâng cao trình độ suốt quãng thời gian dài cũng ảnh hưởng ít nhiều đến bài toán cải thiện thành tích của các tuyển thủ.

Dẫu vậy, theo TS Dương Đức Thuỷ - Nguyên cán bộ phụ trách bộ môn điền kinh (Vụ Thể thao thành tích cao I, Cục Thể dục-Thể thao), các chân chạy tham gia Giải vô địch điền kinh châu Á 2023 đã thể hiện nhiều mặt tích cực. Điển hình như những gương mặt trẻ cũng đã chứng minh khả năng vượt qua áp lực, sự bỡ ngỡ trong lần đầu xuất hiện tại đấu trường châu lục. Sự quyết tâm của Nguyễn Thị Ngọc và Hoàng Thị Minh Hạnh ở nội dung tiếp sức 4x400m cũng được ghi nhận, qua đó chứng tỏ các em đã sẵn sàng thay thế khoảng trống của lớp đàn chị trước đây.

"Ở phần thi tiếp sức, kết quả đạt được đến từ sự cố gắng nỗ lực vượt khó của từng thành viên trong đội. Về chiến thuật, Ban huấn luyện đã có sự thay đổi để kiểm tra tâm lý, bản lĩnh thi đấu của mỗi người. Việc phải cạnh tranh với các vận động viên mạnh trong khu vực là cơ hội rất tốt để tôi và đồng đội cọ xát và nâng cao kinh nghiệm", Hằng nhấn mạnh.

Tới điểm tựa tinh thần

Với em út của đội hình 4x400m nữ, đây là lần đầu tiên Nguyễn Thị Ngọc tham dự sân chơi châu lục. Kỳ Đại hội tại Campuchia cũng đánh dấu lần đầu chân chạy thi đấu chính thức tại SEA Games.

Tấm HCV đầy bât ngờ của điền kinh Việt Nam
Tấm HCV đầy bât ngờ của điền kinh Việt Nam

Để có thể cạnh tranh suất thi đấu cùng các chị, chân chạy 21 tuổi phải luyện tập theo cường độ thi đấu và luôn cố gắng hoàn thành giáo án của Ban huấn luyện. Tấm huy chương vàng giành được tại SEA Games 32 đã giúp em có thêm vài ngày phép để về thăm nhà. Thế rồi, chính những bữa cơm gia đình đã tiếp thêm động lực giúp em chinh phục nấc thang tiếp theo ở sân chơi châu lục.

"Từ nhỏ, Ngọc luôn rất kiên trì và đã thích điều gì là nhất định phải làm bằng được. Vì thế, khi nhận ra đam mê với đường đua đỏ, dù gia đình không có ai theo nghiệp thể thao, Ngọc vẫn lựa chọn đi theo đam mê ăn tập chuyên nghiệp ngay thời điểm kết thúc năm lớp 7. Mỗi năm chỉ được về thăm nhà ít ngày, con luôn lấy đó làm động lực chuyên tâm luyện tập để đạt được thành tích tốt hơn". Bố của Ngọc, ông Nguyễn Văn Thành, không chỉ tự hào về thành tích với những tấm huy chương của con gái út, mà còn hãnh diện về tinh thần và nghị lực của con.

Nếu như Nguyễn Thị Ngọc mới có lần đầu trải nghiệm hương vị chiến thắng ở sân chơi châu lục, bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền - chân chạy đóng vai trò chủ lực trong đội tiếp sức nữ, đã có hai lần làm được điều này. "Lần giành huy chương vàng châu Á trước tôi chưa sinh em bé. Giờ tôi đã làm mẹ lại được thi đấu cùng những đồng đội mới nên cảm xúc cũng khác xưa", Huyền chia sẻ.

Nhìn vào chuỗi thành tích ấn tượng - cú đúp vàng tại sân chơi châu lục cùng 13 lần bước ngôi vị cao nhất tại các kỳ SEA Games, tuổi tác hay gánh nặng của việc làm mẹ dường như không thể cản bước chân chạy tài năng này. Với Huyền, là vận động viên chuyên nghiệp cũng đồng nghĩa nỗ lực vượt qua khó khăn mỗi ngày. Còn trên phương diện một người phụ nữ, có con mang đến niềm hạnh phúc riêng.

"Đau cơ đến giờ có thể xem như chuyện bình thường còn nỗi nhớ con lúc nào cũng luôn nhức nhối. Trước khi thi đấu, tôi thường gọi điện về nhà, hoặc xem ảnh hay video của con. Đó cũng là nguồn động lực đặc biệt để tôi phải cố gắng giành thành tích, vừa để có thể về thăm con, đồng thời cũng để em bé khi lớn lên thấy thật tự hào về mẹ", Huyền khẳng định.

Đến giờ, bà mẹ một con vẫn nhớ như in thời điểm năm 2019. Khi ấy, Huyền mới sinh em bé ba tháng đã quyết định quay lại tập ngay. Cơ thể lúc đó vô cùng nặng nề. Đau tới mức chạy được quãng ngắn lại nôn. Có những ngày tập luyện mệt quá, Huyền cũng không thể chịu nổi mà nằm vật xuống sân nước mắt ngắn nước mắt dài. Dẫu vậy, dù có suy nghĩ bao nhiêu lần, Huyền đều tự động viên bản thân rằng đã lựa chọn theo nghiệp thể thao phải cố hết sức để vượt qua. Bởi chỉ bằng cách tập luyện thật tốt, giành thành tích cao mới có thể bù đắp phần nào.

Và rồi, khi đứng trên bục chiến thắng, những giọt nước mắt hạnh phúc không chỉ đến từ niềm tự hào dân tộc khi lắng nghe giai điệu của bài Quốc ca, mà còn đó sự mong chờ, khắc khoải trước viễn cảnh được về thăm nhà.

Anh Thư

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật