Chiều 8/12, dưới sự chứng kiến của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) để xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương.
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, phân kỳ đầu tư trong 15 năm, dự kiến được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024. Đây sẽ là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ 2 ở châu Á (nhà máy đầu tiên xây tại Giang Tô, Trung Quốc) của Lego.
Ảnh: Thanh niên |
Trước đó, tại Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn Lego đã có buổi gặp gỡ trực tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tất cả các hoạt động kết nối, gặp gỡ, trao đổi, ký kết… diễn ra trong thời gian rất ngắn.
Thành quả này nhờ vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã và đang cải thiện nhiều, độ mở của nền kinh tế rộng hơn, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia ký kết nhiều nhất trong khu vực.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) năm 2020 đạt trên 28 tỷ USD thì từ đầu năm đến ngày 20/11 cũng đã đạt trên 26 tỷ USD. Ngoài vốn đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư gián tiếp qua các thương vụ mua bán sáp nhập cũng rất lớn.
Số liệu mới công bố tại Diễn đàn M&A năm 2021 sáng 9/12, cho thấy trong 10 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD. Riêng thị trường M&A nói chung đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng gần 18%.
Cuối tháng 7, dự án Nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm của Nhật Bản đã chính thức được cấp phép với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD, chuyên sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Giữa tháng 5, nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam của nhà đầu tư đến từ Đài Loan cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD.
Đặc biệt, trong tháng 3, dự án Nhà máy điện khí Long An 1 và 2 của nhà đầu tư Singapore có vốn đăng ký 3,1 tỷ USD đầu tư truyền tải, phân phối điện và sản xuất điện tại Long An; Nhà máy LG Display của Hàn Quốc tại Hải Phòng điều chỉnh tăng 2,15 tỷ USD liên tiếp 2 đợt tháng 2 và tháng 8; Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2 của Nhật Bản với tổng vốn đăng ký 1,31 tỷ USD tại Cần Thơ…
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp, nhưng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn tăng, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với Việt Nam.
Trong 2 năm đại dịch, Nhật Bản là một trong các nhà đầu tư nước ngoài có sự chuyển hướng, tăng tốc đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Từ tháng 1 - 11 vừa qua, vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào VN đạt 3,7 tỷ USD, tăng đến 54% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến số 1 của doanh nghiệp Nhật Bản và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam, chiếm gần 16% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT phân tích năm đầu tiên bùng phát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2019, vào top 20 nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất thế giới, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu của năm đó giảm đến 35%, xuống còn 1.000 tỷ USD (năm 2019 là 1.500 tỷ USD).
Năm 2021, theo dự báo, vốn FDI cũng sẽ giảm nhẹ nhưng thu hút FDI của VN là khá bền vững so với các nước trong khu vực.
Theo chuyên gia tư vấn đầu tư Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, trong quá khứ, chúng ta hay nghĩ cứ phải giảm thuế doanh nghiệp, ưu đãi giá thuê đất, nhân công giá rẻ… sẽ hút “đại bàng”. Thời nay, những yếu tố đó không phải là ưu tiên, mà là hạ tầng, logistics, nhân sự, pháp lý, hệ sinh thái… mới là yếu tố quyết định.
Nhân sự cao cấp của Việt Nam hiện nay không thiếu, thiếu chăng là chính sách thu hút FDI chưa ràng buộc yếu tố này một cách quyết liệt. Chẳng hạn, Singapore đưa ra quy định FDI vào quốc đảo này phải sử dụng nhân sự quản lý cao cấp là người Singapore.