Sau 5 ngày xét xử và nghị án, chiều 31/12, TAND TP Hà Nội tuyên ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP) 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo điều 281 Bộ luật hình sự 1999.
Trước đó, ông Chung đã bị tuyên phạt tổng cộng 13 năm năm tù trong hai vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" và vụ án liên quan mua chế phẩm xử lý nước ao hồ tại Hà Nội. Như vậy, tổng hợp hình phạt các bản án trước, ông Chung lĩnh 16 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) bị tuyên mức án 30 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.
Đồng phạm với ông Tứ là nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Sở KH&ĐT, gồm: Nguyễn Tiến Học (cựu Phó Giám đốc) lĩnh 2 năm 6 tháng tù; Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng phòng) 4 năm 6 tháng tù; Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh văn phòng) 3 năm 6 tháng tù. Hai bị cáo Võ Việt Hùng (cựu Giám đốc Công ty Đông Kinh) nhận mức phạt 4 năm tù và Lê Duy Tuấn (cựu Giám đốc kinh doanh công ty này) 3 năm 6 tháng tù giam, theo TPO.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc Công ty Đông Kinh nộp lại hơn 6 tỷ đồng thu lợi bất chính cho Sở KH&ĐT Hà Nội. Nhóm bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường, Võ Việt Hùng và Lê Duy Tuấn phải liên đới bồi thường gần 20 tỷ đồng còn lại cho cả hai gói thầu số hóa năm 2016, 2017.
HĐXX kết luận năm 2016, Sở KH&ĐT là chủ đầu tư gói thầu số hóa, còn giám đốc sở là người có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm. Tuy nhiên, trong các ngày 15-16/5/2016 ông Chung với tư cách chủ tịch thành phố, đã 3 lần gọi điện chỉ đạo quyết liệt bị cáo Tứ dừng mở thầu. Việc làm này trái quy định của pháp luật về đấu thầu.
Bị cáo Chung còn yêu cầu Sở KH&ĐT chọn công nghệ mới của Nga và từ đó, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, thí điểm số hóa. Ngoài ra, Công ty Minh Hoa (do vợ ông Chung làm giám đốc) còn ký hợp đồng khống với Nhật Cường để hợp thức hóa hồ sơ năng lực cho doanh nghiệp dự thầu.
Tại tòa, bị cáo Chung không thừa nhận cáo trạng và khai UBND thành phố mới là chủ đầu tư gói thầu số hóa. Ông Chung cũng khai việc chỉ đạo Sở KH&ĐT dừng thầu là đúng luật và bản thân không thân thiết với Bùi Quang Huy (cựu Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường).
Tuy nhiên, HĐXX đủ căn cứ xác định ông Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng chức vụ chủ tịch Hà Nội, chỉ đạo Sở KH&ĐT cùng nhóm bị cáo Tứ “ưu ái” trái quy định cho doanh nghiệp của Bùi Quang Huy được thí điểm số hóa dữ liệu doanh nghiệp của Hà Nội.
HĐXX kết luận vì vụ lợi cá nhân, bị cáo Chung đã làm trái các quy định về đấu thầu nhằm định hướng cho Nhật Cường thí điểm số hóa. Ông Chung cũng có mối quan hệ mật thiết với Bùi Quang Huy. Điều này được chứng minh qua việc trao đổi email với Huy và qua cả vụ án chiếm đoạt tài liệu mật liên quan Công ty Nhật Cường.
Về tình tiết giảm nhẹ, HĐXX thấy bị cáo Chung 2 lần bị kết án nhưng không thuộc trường hợp tái phạm. Trước đây, bị cáo có quá trình công tác tốt, được tặng thưởng do có nhiều thành tích nên được xem xét khi lượng hình.
Thực hiện chỉ đạo của ông Chung, các bị cáo còn lại cho dừng gói thầu trái quy định để tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa. Để hợp thức hồ sơ năng lực, Bùi Quang Huy, Võ Việt Hùng và Lê Duy Tuấn thuộc liên doanh Nhật Cường - Đông Kinh đã có hành vi thông thầu, gian lận hồ sơ, lập các công ty “quân xanh, quân đỏ”.
Sau khi trúng thầu nhờ gian lận, Nhật Cường đã chuyển nhượng thầu cho Đông Kinh. Như vậy, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng, theo Zing.
Về chiếc iPad của ông Chung, HĐXX kết luận bị cáo không nhớ mật khẩu truy cập thiết bị này. Cơ quan giám định là Cục A05 Bộ Công an cũng cho biết chính sách bảo mật của Google chỉ xem xét được lịch sử truy cập email trong 28 ngày kể cả đăng nhập email nên không thể xác minh được lịch sử đăng nhập.
“Việc đăng nhập email có thể qua những thiết bị khác, không nhất thiết phải đọc trên iPad. Vì vậy, chiếc iPad không có ý nghĩa trong giải quyết vụ án”, chủ tọa kết luận.
(Tổng hợp)