Ngày 17/9, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và đồng phạm trong vụ án giao, cho thuê đất "vàng" 8-12 Lê Duẩn trái luật.
Gần cuối phiên xét xử chiều nay, đại diện VKS ND TP.HCM phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án.
Phiên tòa ngày 17/9. Ảnh: SGGP |
Theo cơ quan công tố, khu đất 8-12 Lê Duẩn là tài sản Nhà nước. TP.HCM chủ trương sắp xếp lại tài sản này để xây dựng khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại. Chủ trương của thành phố là đấu thầu chọn nhà đầu tư, không chấp nhận liên doanh liên kết.
Trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Lê Thị Thanh Thúy , Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư Quận ủy quận 2, vào thời điểm xảy ra vụ án giữ chức Trưởng Phòng Quy hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài tại phiên tòa. |
Bị cáo Nguyễn Thành Tài chịu trách nhiệm chính trong vụ việc, khi đó biết rõ khu đất thuộc tài sản Nhà nước nhưng do muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và mối quan hệ cá nhân với bị cáo Thúy nên đã ký nhanh và ký nhiều văn bản trái quy định.
Cụ thể, bị cáo chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án, không thẩm định năng lực tham gia dự án, chấp thuận giao đất và cho thuê đất 8-12 Lê Duẩn. Hành vi phạm tội của ông Tài nhằm ưu ái cho Thúy để chuyển sở hữu tài sản từ Nhà nước sang tư nhân.
Các bị cáo Kiệt, Út, Nam tham mưu cho ông Tài cho Lavenue thuê đất và giao đất trong khi nhận thức khu đất 8-12 Lê Duẩn thuộc sở hữu Nhà nước. Hành vi này dẫn tới việc chuyển dịch tài sản Nhà nước sang sở hữu tư nhân, gây thiệt hại hơn 1.927 tỷ đồng.
Về bị cáo Thúy lợi dụng quan hệ tình cảm với ông Tài, tác động ông ký các văn bản để nhằm chấp thuận cho công ty của mình tham gia dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Theo nguồn tin trên báo SGGP, tại phiên tòa này, các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam, Trương Văn Út thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy không thừa nhận hành vi vi phạm nhưng đã thừa nhận đã ký các văn bản xin được tham gia dự án. Do vậy, cáo trạng của Viện KSND Tối cao truy tố các bị cáo là có căn cứ.
Xét thấy các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhiều bị cáo đang phải chấp hành nhiều hình phạt khác nhau trong nhiều vụ án. Thiệt hại trong vụ án này cũng đã được ngăn chặn kịp thời, khu đất 8-12 Lê Duẩn được xem xét thu hồi lại cho Nhà nước. Do đó, VKS đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo, xử phạt dưới khung hình phạt của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Từ những phân tích trên, theo nguồn tin trên báo Zing, theo Khoản 3 Điều 219 BLHS 2015, cơ quan công tố đề nghị tuyên phạt Nguyễn Thành Tài từ 8-9 năm tù ề tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Với vai trò đồng phạm, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy bị đề nghị 7-8 năm tù; Đào Anh Kiệt bị đề nghị 6-7 năm tù (tổng hợp với mức án 6 năm 6 tháng tù đang chấp hành trong vụ án khác thành từ 12 năm 6 tháng tù đến 13 năm 6 tháng tù); Nguyễn Hoài Nam bị đề nghị 5-6 năm tù Trương Văn Út bị đề nghị 3-4 năm tù (tổng hợp với mức án 5 năm tù đang chấp hành trong vụ án khác thành từ 8 đến 9 năm tù) cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS cũng cho rằng thiệt hại vụ án đã được ngăn chặn nên đề nghị hủy bỏ quyết định giao đất và cho thuê đất với khu đất 8-12 Lê Duẩn; buộc Công ty Lavenue giao khu đất 8-12 Lê Duẩn lại cho UBND TP.HCM.
Ngoài ra, cơ quan công tố cũng đề nghị buộc bị cáo Tài và Thúy liên đới bồi thường hơn 4,7 tỷ đồng cho Nhà nước; tiếp tục kê biên tài sản của các bị cáo để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
(Tổng hợp)