Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Hội Hỗ trợ phát triển khoa học Nhật Bản (JSPS), các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hệ Gen (VAST) và Bảo tàng Đại học Kyoto (Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã phát hiện loài Chuột chũi vòi mới cho khoa học.
Kết quả giải trình tự các đoạn gen nhân (RAG1, RAG2) và gen ty thể (Cytb) có tổng chiều dài 2901 bp của 2 mẫu vật thu thập tại khu vực đỉnh Fansipan (Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai) ở độ cao xấp xỉ 2900m, kết hợp phân tích với 107 trình tự khác từ Genbank đã cho thấy sự phân nhánh rõ ràng của quần thể Chuột chũi vòi Uropsilus ở Việt Nam so với các quần thể ở Trung Quốc. So sánh trình tự gen Cytb cũng cho thấy sự khác biệt 8,63% đến 20,70% của quần thể ở Fansipan so với 8 loài cùng giống đã công bố trước đó tại Trung Quốc. Đồng thời, các tác giả cũng đã so sánh hình thái cơ thể và hình thái sọ với nhiều mẫu chuẩn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh).
Kết hợp các phân tích trên, nhóm tác giả đã công bố loài Chuột chũi vòi phan-xi-pan (Uropsilus fansipanensis) mới cho khoa học. Loài Chuột chũi vòi này đặc trưng bởi chiếc mũi kéo dài thành dạng vòi; lông trên lưng màu đỏ nâu đậm, lông dưới bụng màu xám; đuôi đơn màu xám đậm với các vảy trắng ở gốc đuôi; có 38 răng, trong đó, răng trước hàm dưới số 1 và số 3 có kích thước tương tự nhau.
Đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận giống Chuột chũi vòi Uropsilus ở Việt Nam, và mở rộng vùng phân bố của nhóm thú này về phía nam so với các loài đã ghi nhận ở Trung Quốc và Myanmar đến khu vực dãy Hoàng Liên Sơn của Việt Nam.
Phát hiện này, bên cạnh việc bổ sung thêm 1 giống và 1 loài mới cho khu hệ thú Việt Nam, còn cho thấy mối liên hệ chặt chẽ về đa dạng sinh học giữa khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam với phía Nam Trung Hoa.