South China Morning Post ngày 27/1 đưa tin, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đại học bang Georgia, Mỹ, phát hiện mức độ tập trung của virus Sars-CoV-2 ở não của cá thể chuột nhiễm bệnh nặng cao gấp 1.000 lần so với các cơ quan khác.
Các nhà khoa học đang xác định về mối liên hệ giữa hiện tượng virus tập trung dày đặc ở não sau 5 - 6 ngày nhiễm bệnh và các triệu chứng như khó thở, suy nhược, mất phương hướng trên con người. Theo nhóm nghiên cứu, mức độ virus tại phổi thường giảm dần sau 3 ngày kể từ khi mắc bệnh.
Trong khi virus tấn công và tác động lên não cùng hệ thần kinh là hiện tượng đã được ghi nhận. Các nhà khoa học phỏng đoán việc virus tập trung nhiều ở não có thể là nguyên nhân cho ảnh hưởng thần kinh dai dẳng. Bởi có nhiều bệnh nhân vẫn ốm trong thời gian dài dù không còn phát hiện virus ở họng hay phổi.
Dù không phải bệnh nhân đều bị virus tấn công vào não nhưng với những người bị tấn công, nó sẽ lưu lại trong thời gian ài.
"Não là một trong những khu vực virus lẩn trốn lại. Đó là lý do có nhiều người bị bệnh nặng, giải thích cho các triệu chứng như đau tim, đột quỵ, mất vị giác, mất khứu giác. Tất cả những triệu chứng ấy là do não bị tổn thương, không phải phổi", Mukesh Kumar, một tác giả của nghiên cứu, cho biết.
"Suy nghĩ cho rằng căn bệnh này là một loại viêm đường hô hấp giờ không còn luôn đúng nữa. Một khi virus lây nhiễm vào não, nó sẽ ảnh hưởng mọi cơ quan khác, bởi não điều khiển phổi, tim, mọi thứ. Não là một cơ quan cực kỳ nhạy cảm, là trung tâm xử lý cả cơ thể", ông Kumar cho biết.