Khánh Hòa qua 18 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với TP.Nha Trang, TX.Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (từ 0 giờ ngày 09/07/2021 đến nay), số người dương tính với virus corona vẫn tăng chóng mặt. Số liệu tổng hợp từ CDC Khánh Hòa, từ 7 giờ sáng ngày 09/07/2021, toàn tỉnh Khánh Hòa có 146 bệnh nhân Covid, đến 12 giờ ngày 26/07/2021, toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.231 bệnh nhân Covid. Con số không chỉ chưa đạt đỉnh, mà còn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch cao hơn…
…THỰC HIỆN CHƯA NGHIÊM, ÁP DỤNG CHƯA PHÙ HỢP THỰC TẾ
Chiều ngày 08/07/2021, ông Nguyễn Tấn Tuân- Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra công điện khẩn về việc triển khai một số giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hoà áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với TP.Nha Trang, TX. Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh; áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với các huyện, thành phố còn lại (huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và TP. Cam Ranh) trong vòng 14 ngày, kể từ 0h ngày 9/7/2021.
Thế nhưng, qua 18 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đợt 1 và tiếp đến đợt 2 (từ 0 giờ ngày 24/07/2021), đến hôm nay (26/07/2021), số ca nhiễm virus corona của cả tỉnh Khánh Hòa tăng nhanh chóng mặt; chẳng những số liệu tăng chưa đạt đỉnh để hạ nhiệt, mà diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều nguy cơ bùng phát cao hơn… Từ ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, tổng số ca nhiễm virus corona của tỉnh Khánh Hòa là 146 ca (trong đó, TP.Nha Trang 46 ca, TX.Ninh Hòa 92 ca và huyện Vạn Ninh 2 ca, TP.Cam Ranh 2 ca, huyện Diên Khánh 1, Huyện Cam Lâm 1). Đến 12 giờ ngày 26/07/2021, tổng số ca nhiễm bệnh Covid của tỉnh Khánh Hòa đã lên đến 1.231 ca (trog đó, TP. Nha Trang 285 ca, TX.Ninh Hòa 853 ca, huyện Vạn Ninh 47 ca, Cam Lâm 31 ca, huyện Diên Khánh 8 ca và TP.Cam Ranh 7 ca), đặc biệt rất nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng..
Qua 14 ngày thực hiện giãn cách đợt 1, các cấp chính quyền tỉnh Khánh Hòa, nhất là trong vùng thực hiện giản cách xã hội đã thật sự lúng túng… Việc thực hiện, tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý giới hạn người dân ra khỏi nhà khi không có lý do chính đáng, chưa được áp dụng nghiêm ngặt đã dẫn đến lây lan cộng đồng cao. Cụ thể, tại TX.Ninh Hòa sau 3 ngày giãn cách đầu tiên, người dân vẫn đổ xô ra đường mua, bán đông đúc, không đảm bảo 5K theo quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế. Chị Huỳnh T.T.X- Một người dân Thị trấn Ninh Hòa điện thoại phản ảnh: “Trời ơi, giãn cách gì mà vừa ra ngoài định đi mua vài thứ thiết yếu, nhưng thấy người đầy đường, hàng quán nào cũng đông đúc người từ hàng đồ ăn chơi, đến đồ ăn chính. Nhìn quanh hết khu trung tâm, lại không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng đâu, để nhắc nhỡ thực hiện 5K, ngăn chặn hòng chống dịch,…Tôi hoảng quá vội quay về nhà, dù chưa mua được những món đồ cần thiết…”
Hệ lụy đã được chứng minh, chỉ tính từ 16 giờ ngày 15/07 đến 7 giờ sáng ngày 16/07/2021, cả tỉnh Khánh Hòa có 88 ca mắc mới, riêng TX.Ninh Hòa có 85 ca (trong đó có 43 ca lây nhiễm trong cộng đồng).
Có thể nói, với giặc dịch virus corona này, khâu phòng tránh cực kỳ quan trọng. Ngoài việc tăng cường nâng cao nhận thức người dân về hậu họa của dịch bệnh, thực hiện nghiêm quy định 5K, cần tập trung ngăn ngừa những nơi trọng yếu, thiết lập chốt kiểm tra hợp lý, luân phiên 24/24, chặt chẽ ở những nơi có F0. Hiện các cấp xã, phường vẫn chưa chặt chẽ, sát sao, có nơi lập chốt ở những cung đường vắng, giờ không cao điểm, để ngăn chặn xử phạt, thu giữ phương tiện,…
NGUY CƠ CAO TỪ THÔNG BÁO “NGĂN SÔNG CẮM CHỢ”
Chiều 24/07/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương bổ sung thực hiện một số biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 đợt 2 đối với TP.Nha Trang, TX.Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh; theo Chỉ thị số 15 đối với các huyện, thành phố còn lại; thời gian thực hiện trong vòng 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 23/7/2021.
Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Song, với người dân, đặc biệt là dân lao động có thu nhập thấp, người nghèo và những người diện khó khăn đặc biệt, thì việc sinh tồn mỗi ngày trôi qua lại cấp bách hơn. Việc Chính quyền TP.Nha Trang tạm dừng phát 1 tháng tiền trợ cấp xã hội theo định kỳ (ngày 09 hàng tháng) cho những người yếu thế nhất (người già, người khuyết tật) và kéo đến ngày 24/07 mới phát lại là một trong những điều trái ngược với việc an dân,… Đồng thời, ngược với chủ trương của tỉnh: tổ chức hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà; Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, đông người, mật độ dân số cao, thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa người với người,…
Chị Trương T. L- Một người dân trong khu phong tỏa Hà Ra- Nha Trang cho biết: “Gia đình em 6 nhân khẩu nằm trong khu vực phong tỏa từ ngày 03/07/2021 đến nay. Trong 24 ngày qua, test có ca mới liên tục nên chưa được bỏ phong tỏa. Và từ đó đến nay, gia đình em chỉ nhận đúng 1 phiếu của bác tổ trưởng tổ dân phố được 5kg gạo. Ngoài ra, các tổ chức từ thiện xã hội có cho têm đồ ăn, gạo, rau củ, nhưng để tập kết ở chắn ba, ai nhanh tay, nhanh chân thì còn, chậm thì hết… Riêng gia đình em có nhận thêm gạo từ các nhà hảo tâm quen biết, điện thoại ra cổng lấy".
Đặc biệt, ngày 24/07/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo: Kể từ 0 giờ ngày 26/07 tạm dừng hoạt động toàn bộ chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn TP. Nha Trang, , TX. Ninh Hòa và H.Vạn Ninh Hòa để kiểm tra, đánh giá, xây dựng kế hoạch việc triển khai các phương án phòng, chống dịch. Các chợ chỉ hoạt động trở lại khi đã đảm bảo an toàn theo đúng quy định…
Theo đó, tại cuộc hợp trực tuyến với các xã, phường, UBND TP Nha Trang chỉ đạo ngừng phát phiếu đi chợ/siêu thị; tạm dừng hoạt động kinh doanh của các chợ, các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn từ 0 giờ ngày 26/07 đến khi có chỉ đạo mới. Các siêu thị, cửa hàng Bách hóa Xanh chỉ được phép bán hàng online theo khu vực phân chia của thành phố. Các nhân viên giao hàng (shipper) cho các siêu thị phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và đăng ký danh sách với TP.Nha Trang.
Ngay sau đó, hàng ngàn người dân Nha Trang ùn ùn kéo đến các siêu thị mua đồ tích trữ… Đến tối cùng ngày (24/07), lãnh đạo chính quyền TP.Nha Trang vội vàng “rút lại lệnh cấm” và cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích,… tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, đến cả ngày hôm sau (từ mờ sáng ngày 25/07), các chợ, cửa hàng, siêu thị trên toàn TP.Nha Trang người dân vì chưa nhận thông tin nên vẫn chen chúc người, hầu hết hàng hóa bị vơ vét và giá cả đã đội lên gấp 2-3 lần so với ngày thường…
Chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa là cấm hoạt động các chợ để chống dịch, thế nhưng khi triển khai về cấp cơ sở, chính quyền TP.Nha Trang áp dụng lệnh cấm cho tất cả các chợ, siêu thị trên địa bàn, chỉ cho mua bán hàng online. Dù Chủ tịch UBND TP.Nha Trang đã có văn bản sửa đổi ngay trong tối 24/07, nhưng thông tin “sửa sai” không khắc phục kịp. Hiện nay, mọi người dân nhận thức sâu sắc về nguy cơ dịch bệnh đều đang trong tâm trạng vô cùng hoang mang, lo lắng. Trước đó lo thiếu đói, giờ lo không dập dịch nổi…
Em Võ T.M.L- Một công dân Khánh Hòa học chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch, bức xúc bộc bạch: “Dẫu biết không phải dễ dàng với công cuộc phong chống dịch Covid này, nhưng em nhận thấy có những quyết định áp dụng vô lý như: tại sao hệ thống chuỗi siêu thị có điều kiện nhiệt độ mát lạnh, phòng kín- là nơi vi rút có thể sống lâu hơn lại được hoạt động, trong khi các chợ truyền thống thông thoáng, nhiệt độ cao hơn thì lại bị đóng cửa? Nếu mình cân nhắc kế hoạch cho các chợ truyền thống tại địa phương được hoạt động, đồng thời kiểm soát thực hiện giãn cách ở các cổng vào chợ và quy định nghiêm ngặt tại các gian hàng cả người đi mua bằng hình thức phát phiếu, phân chia lịch bán hàng, lịch đi mua hàng, test kiểm tra cho người bán hàng để đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm cho người dân sau khi sát khuẩn chợ.
Em thiết nghĩ, việc này giúp hạn chế tình trạng người tiêu thụ đổ xô vào siêu thị, không gây quá tải trong siêu thị, dễ lây nhiễm chéo. Đồng thời, chính quyền còn giúp được người nông dân thuần tuý- không có các giấy chứng nhận để đưa hàng vô siêu thị, có thể tiêu thụ được hàng hoá, tránh lãng phí kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu nhập thấp, khó khăn tiện cân nhắc tiêu dùng với chợ truyền thống,...”