Chiều nay, 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Nghị quyết có hiệu lực ngày 1/3/2021.
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Phú Quốc thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên hiện có và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc.
Thành phố Phú Quốc sau thành lập sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 phường là phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã là Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.
Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Internet |
Huyện Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II vào năm 2014. Ngoài là ngư trường lớn, Phú Quốc, được mệnh danh là đảo Ngọc, là địa chỉ du lịch nổi tiếng.
Trong dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Phú Quốc và các phường thuộc Phú Quốc đầu tháng 10/2020, Chính phủ nêu với vị thế đặc biệt, Phú Quốc luôn là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Năm 2018, Phú Quốc đón 2,55 triệu lượt khách du lịch, năm 2019 đạt hơn 3 triệu lượt, chiếm khoảng 60% lượng khách du lịch của tỉnh Kiên Giang. Huyện đảo đang có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340.000 tỷ đồng.
Sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của Phú Quốc đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, Phú Quốc vẫn thực hiện quản lý hành chính nhà nước theo mô hình chính quyền nông thôn. Bộ máy chính quyền không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở toàn bộ 589,27 km2 diện tích tự nhiên và dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc.
"Việc thành lập thành phố Phú Quốc là cần thiết, nhằm thiết lập mô hình quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, thúc đẩy nhanh việc xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch, theo định hướng của Chính phủ và là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam.