Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 chiều nay, 11/1, lãnh đại của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết nhiều chỉ tiêu quan trọng của Tập đoàn đã về đích trước kế hoạch đến 6 tháng.
Sản lượng khai thác dầu năm 2020 đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch năm. Trong đó khai thác dầu ở trong nước là 9,65 triệu tấn, khai thác dầu ở nước ngoài đạt 1,82 triệu tấn. Sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3.
Nửa đầu năm, tập đoàn gặp khó khăn kép khi cùng với đại dịch COVID-19 là giá dầu liên tục giảm sâu. Giá dầu thô trung bình năm 2020 đạt 43,8 USD/thùng, chỉ bằng 73% so với mức giá kế hoạch năm Quốc hội thông qua (60 USD/thùng) và giảm đến 23,7 USD/thùng (giảm 35,1%) so với giá dầu trung bình năm 2019. Tuy nhiên, Petrovietnam là một trong số ít các công ty dầu khí có lợi nhuận khả quan trong năm 2020. Tập đoàn đạt tổng doanh thu 566.000 tỷ đồng (hơn 24,2 tỷ USD).
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17.500 tỷ đồng. Năm 2020, Petrovietnam cũng đã tiết giảm chi phí đạt đến 11.900 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan sa bàn đầu tư phát triển ngành dầu khí Việt Nam - Ảnh:VGP |
Trong năm, có 2 phát hiện dầu khí mới là Kèn Bầu và Sói Vàng cùng một số biểu hiện dầu khí tốt tại các giếng khoan: Bạch Hổ- 53, Thiên Nga- 4XST, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, gia tăng sản lượng khai thác thời gian tới.
Với phát hiện trữ lượng dầu khí tại mỏ Kèn Bầu nằm trong lô 114 (đạt trên 11,86 triệu tấn quy đổi), cùng với đóng góp gia tăng trữ lượng từ các mỏ Bạch Hổ, Thiên Nga, Cá Tầm đã giúp chỉ tiêu gia tăng trữ lượng “về đích” ngay từ đầu tháng 6/2020, lần đầu tiên đạt bù sản lượng khai thác từ năm 2016 đế nay.
Tập đoàn cũng hoàn thành đầu tư đưa 2 công trình dầu khí mới vào khai thác. Sản xuất đạm đạt 1,80 triệu tấn. Sản xuất xăng dầu đạt 11,87 triệu tấn.
Nhờ các hoạt động sản xuất tích cực, Petrovietnam đã được các tổ chức đánh giá hàng đầu Việt Nam xếp hạng 10 năm liên tiếp trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và 3 năm liên tiếp dẫn đầu Bản xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nuận lớn nhất Việt Nam.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings năm 2020 đánh giá tín nhiệm độc lập với Petrovietnam ở mức BB+.
Chia sẻ về các điểm sáng của Petrovietnam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong bối cảnh khó khăn của năm 2020, Petrovietnam đã từ chỗ bị động lấy lại được đà tăng trưởng mới. Tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước 83.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đóng góp cho ngân sách.
Thủ tướng cho biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với gần 60.000 cán bộ, kỹ sư đã trở thành một tập đoàn dầu khí lớn mạnh với nhiều nhà máy, công trình dầu khí quan trọng quốc gia, sở hữu khối tài sản Nhà nước có giá trị trên 35 tỷ USD.
Petrovietnam đang sở hữu khối tài sản Nhà nước có giá trị trên 35 tỷ USD. Ảnh minh họa: PVN |
Giao nhiệm vụ cho Petrovietnam trong năm 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Petrovietnam là doanh nghiệp sở hữu chuỗi giá trị có ảnh hưởng quyết định đến tổng thể nền kinh tế và an ninh năng lượng, nắm giữ từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến, phân phối và sản xuất sản phẩm cuối cùng là xăng dầu, điện, hạt nhựa, đạm… nên có điều kiện thuận lợi để tạo ra những sản phẩm có thương hiệu mạnh về chất lượng và sức cạnh tranh cao.
Chính vì thế, Petrovietnam phải khắc phục cho được một số tồn tại, trước hết là việc xử lý 5/12 dự án còn chậm, chưa chuyển biến, chưa có giải pháp đột phá; đẩy mạnh việc triển khai các dự án Nhóm A còn chậm trễ. Tập đoàn cũng cần tập trung giải quyết tình trạng cồng kềnh trong bộ máy, còn có đơn vị hoạt động chưa hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu phải tập trung tái cấu trúc mạnh mô hình quản lý để đảm bảo tinh gọn, hiệu quả hơn. Lãnh đạo Petrovietnam cần khẩn trương xem xét lại mô hình hoạt động của một số xí nghiệp thành viên, tránh trùng lặp, hiệu quả kém.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Petrovietnam xây dựng trình Quốc hội sớm ban hành Luật Dầu khí mới trong năm 2021, theo chương trình xây dựng pháp luật đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội. Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành cơ chế tài chính của Tập đoàn.