Trong buổi tranh luận chiều 20/5, Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hiến cho rằng cần đánh giá đúng bản chất và nội dung việc cáo buộc các bị cáo đã làm cho Quân chủng Hải quân mất quyền sử dụng 3 khu đất của Bộ Quốc phòng ở đường Tôn Đức Thắng.
Nếu căn cứ vào mục đích an ninh quốc phòng, thì bất kể là tài sản gì, Nhà nước và quân đội, Quân chủng hải quân vẫn có quyền trưng dụng phục vụ mục đích an ninh quốc phòng. Nếu theo cách hiểu thông thường, hết thời hạn 49 năm liên doanh, quyền sử dụng sẽ được trả lại cho Quân chủng Hải quân.
Trong phiên xét xử sáng 21/5, đại diện Viện kiểm sát quân sự Quân chủng Hải quân khẳng định một lần nữa, quân chủng đã mất quyền sử dụng 3 khu đất trên vì 2 khu đất đã đưa vào liên doanh và 1 khu đất đang bị thế chấp ngân hàng.
Về tài sản bị quy kết thất thoát, luật sư Hướng đánh giá chỉ là chuyển hóa từ dạng đất sang cổ phẩn, những người, tổ chức liên quan đến quyền sử dụng đất cho ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy kiến nghị xác định lại hậu quả của vụ án. Luật sư Hướng cho rằng hành vi của ông Hiến không gây thất thoát hơn 939 tỉ đồng như cáo trạng quy kết. Số tiền vẫn còn đó, khi các cơ quan quản lý chưa giao vốn và hạch toán đúng quy định. Cần dùng từ "thất thu" với số tiền 939 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát cho rằng dùng từ "thất thoát" là đúng, bởi đến thời điểm hiện nay, Công ty Hải Thành vẫn chưa nộp số tiền hơn 939 tỉ đồng cho Quân chủng Hải quân.
Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến tại tòa - Ảnh: TTQS |
Đại diện quân chủng hải quân cho biết trong quá trình giải quyết vụ án, quân chủng được xác định là bị hại và đồng tình với cáo trạng cũng như bản luận tội của VKS. Vị này cũng giữ nguyên quan điểm đề nghị tòa tuyên Công ty Hải Thành nộp lại số tiền hơn 939 tỉ đồng về cho Quân chủng Hải quân, do số tiền này đã được UBND TP.HCM cho phép quân chủng giữ lại để xây dựng, củng cố doanh trại.
Đồng thời xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với các bị cáo từng là cán bộ của Quân chủng hải quân, trong đó có ông Nguyễn Văn Hiến.
Cáo trạng của viện kiểm sát cũng nêu ông Hiến ký, phê duyệt đều do các cơ quan tham mưu, đề xuất. Ông Hiến vì thế được xác định "phạm tội với lỗi vô ý vì quá tự tin, không có động cơ mục đích vụ lợi".
Theo VKS, đây không phải tình tiết giảm nhẹ nhưng cũng là nội dung mà VKS đề nghị HĐXX xem xét khi lượng hình.
Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), các luật sư bào chữa cho rằng Hệ không phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và không liên quan Công ty Yên Khánh. Tuy nhiên, đại diện VKS tái khẳng định Đinh Ngọc Hệ phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là hoàn toàn xác đáng.
VKS cho rằng để thâu tóm khu đất số 7 - 9, Hệ đã thành lập công ty Yên Khánh (nhờ cháu là bị cáo Vũ Thị Hoan đứng tên), rồi chỉ đạo ký tờ trình gian dối về năng lực công ty để liên doanh với Công ty Hải Thành thuộc Quân chủng Hải quân. Khi đạt được thỏa thuận với Công ty Hải Thành, 2 bên đã thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành.
Ông Hệ cũng là người đã chỉ đạo thuộc cấp mang đi thế chấp các ngân hàng để lấy tiền dùng vào việc khác.
Tại tòa, ông Hệ cũng đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ tội cho cháu gái là Vũ Thị Hoan và các cán bộ thuộc Quân chủng Hải quân.