Ngày 27/7, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ban hành công văn số 1609 gửi cục QLTT các tỉnh, thành phố về việc trên thị trường xuất hiện một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe được ghi công dụng "kháng virus", "kháng COVID-19", "phòng chống COVID-19".
Tổng cục QLTT cho biết các loại thực phẩm này chưa được đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác, tăng giá bán đột biến so với giá bán thông thường niêm yết trước đó.
Tổng cục nhắc đến một số mặt hàng như Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 với logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh), Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương...
Theo một nguồn tin, ngày 19/7, Công ty cổ phần Sao Thái Dương đã có văn bản thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir là 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ x 15 viên. Thậm chí, ngày 24/7 Bộ Y tế mới ban hành công văn 5955, nhưng trên một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội, sản phẩm này đã được quảng cáo là sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 từ trước đó, theo CAND.
Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm (nếu có), Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý địa bàn, nắm diễn biến tình hình thị trường giá cả, hàng hóa đối với các mặt hàng nêu trên. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 26/7, Bộ Y tế đã thu hồi công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu kèm theo danh mục gồm 12 loại thuốc, sản phẩm cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19 (bao gồm thuốc Xuyên tâm liên và 11 loại khác) do một số nội dung chưa phù hợp.
Tuy nhiên, theo phản ánh, nhiều người dân vẫn ráo riết đi tìm các sản phẩm nằm trong danh mục trên. Tại nhiều hiệu thuốc ở Hà Nội trên đường Cầu Giấy, Đê La Thành, Trung Kính… đều không có thuốc xuyên tâm liên để bán. Khách hàng muốn mua phải đặt tiền trước, để chủ hiệu thuốc đặt hàng mới có sản phẩm.
Ngày 26/7, Cục An toàn Thực phẩm cho biết qua quá trình hậu kiểm, cơ quan này phát hiện một số thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, theo Zing.
Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn Thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để làm rõ sự việc.
Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời; không nên mua, sử dụng các thực phẩm chức năng, thuốc bán trôi nổi.
Tại văn bản 5944/BYT-YDCT, Bộ Y tế cho hay sẽ xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo không đúng nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và các sản phẩm sản xuất từ dược liệu.
(Tổng hợp)