Luật Đấu thầu (sửa đổi) có những quy định mới nào liên quan đến đầu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế?
Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Luật đã bổ sung vào Điều 23, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Theo đó, Luật cũng quy định hướng dẫn mua sắm thuốc, vật tư y tế của cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tại khoản 3 Điều 55 như sau: "Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của luật này đối với mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó chỉ được thanh toán từ nguồn quỹ BHYT theo đúng giá mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo đơn giá đã trúng thầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn; nếu không có giá trúng thầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn thì thực hiện theo quy định của Chính phủ".
Tại Điều 56 bộ luật, các thuốc sản xuất trong nước và được Bộ Y tế chứng nhận đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế để tạo ra sự cạnh tranh với thuốc nhập khẩu.
Quy định này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất dược tăng cường đầu tư thiết bị, dây chuyền hiện đại để sản xuất thuốc, nâng cao tính cạnh tranh với thuốc nhập khẩu, đồng thời đáp ứng được chất lượng điều trị, thời gian điều trị, góp phần tăng hiệu quả điều trị và tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh cho người dân.
Có thể mua sắm tập trung thuốc hiếm
Do điều kiện đặc thù của Việt Nam là thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít ở từng địa phương, đơn vị, nên đấu thầu riêng biệt sẽ khó chọn được nhà cung cấp. Do vậy, dự thảo luật bổ sung quy định có thể mua sắm tập trung với thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít, nhằm bảo đảm khả thi trong đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp.
Trường hợp hàng hóa thuộc danh mục tập trung nếu đáp ứng điều kiện, được áp dụng hình thức đàm phán giá. Luật thông qua cũng bổ sung quy định, nhiều cơ quan, tổ chức có nhu cầu mua sắm cùng loại, có thể gộp thành gói thầu để một cơ quan mua sắm tập trung.
Mua sắm tập trung phải qua đấu thầu rộng rãi. Hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng cần mua để phòng, chống dịch bệnh, được chỉ định thầu.
(Nguồn: Tổng hợp)