• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội chốt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6%

Mục tiêu tăng trưởng năm 2021 đã được Quốc hội thông qua ở mức 6%. Quy mô GDP bình quân đầu...

Tiếp tục kỳ họp thứ X, vào sáng nay, 11/11, Quốc hội họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021. Theo đó, mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP được thông qua là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; chốt chỉ số giá tiêu dùng bình quân đạt 4%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020; cân đối các nguồn lực, cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; tình hình của năm 2021.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 Quốc hội chốt 6% được đánh giá là phù hợp với dự báo của các tổ chức thế giới về triển vọng kinh tế Việt Nam. Ảnh: Báo Đầu tư
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 Quốc hội chốt 6% được đánh giá là phù hợp với dự báo của các tổ chức thế giới về triển vọng kinh tế Việt Nam. Ảnh: Báo Đầu tư

Trong phần phát biểu và trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 10/11, nói về mục tiêu tăng trưởng 2021 khoảng 6% mà đại biểu Quốc hội nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ông nhận thấy mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước,  nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những diễn biến khó lường trong khu vực và trên thế giới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và  phương án hành động khác nhau, để trong trường hợp nào chúng ta vẫn giữ được sự chủ động chiến lược và hoàn thành các  mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.

Vào đầu thàng 10, Báo cáo tình hình kinh tế các nước châu Á của HSBC nhận định với tốc độ tăng trưởng tích cực năm 2020, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định.  Tổ chức tài chính này kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức 8,1%.

HSBC cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam sẽ ở mức 2,6%.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam do Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố ngày 15/10 cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,3-2,5% năm 2020 và khoảng 6,5-7% năm 2021.

Mức dự báo này khá tương đồng so với dự báo của các tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 1,8-2,8% năm 2020 và 6,3-7% năm 2021; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5-3,8% năm 2020 và khoảng 3,8-4% năm 2021.

Một trong những nội dung quan trọng Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện có hiệu quả là phòng chống dịch COVID-19 và đẩy nhanh nghiên cứu vaccine.
Một trong những nội dung quan trọng Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện có hiệu quả là phòng chống dịch COVID-19 và đẩy nhanh nghiên cứu vaccine.

Nghị quyết của Quốc hội cũng thông qua các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2021. Theo đó, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.

Quốc hội cũng thông qua chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch trên 90%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.

Đặc biệt, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42%.

Quốc hội cơ bán tán thành các giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ Chính phủ, đồng thời yêu cầu tập trung phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước để chủ động chuẩn bị biện pháp, đối sách ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động lớn và vấn đề mới phát sinh.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Chính phủ tiếp tục mục tiêu kép phát triển kinh tế, phòng chống dịch. Đồng thời đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine, có giải pháp để người dân tiếp cận vaccine phòng dịch COVID-19 sớm nhất.

Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để vừa thúc đẩy xuất khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước; trong đó chú trọng kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng của người dân.

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Đề nghị Chính phủ xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước minh bạch theo cơ chế thị trường. Và tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương.

Q.HUY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật