Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 đã chính thức được thông qua tại phiên họp chiều ngày 11/11.
Về thực hiện chính sách tiền lương theo dự toán, chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023.
Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25 ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.
Cũng theo dự toán, tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 nêu trên, theo Dân trí.
Trước đó, thay vì kế hoạch tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh tăng lương cơ sở sớm hơn, từ 1/1/2023.
Theo ý kiến của một số đại biểu, thời điểm tăng lương gần đây nhất là tháng 7/2019. Nếu lần này tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu (20,8%) từ 1/7/2023, tức là sau 4 năm mới được tăng lương. Như vậy người hưởng lương từ NSNN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế cán bộ, công chức kể cả cấp xã.
Chủ nhiệm Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với ý kiến đề nghị cần điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương; có ý kiến đề nghị tăng 12,5% chi cho đối tượng trợ cấp hàng tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nếu áp dụng tăng lương từ ngày 1/1/2023 thì lại rơi đúng vào thời điểm đầu năm gần với Tết dương lịch và Tết âm lịch, theo Zing.
"Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân", ông Cường nêu.
(Tổng hợp)