Sáng 2/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Nghị quyết có hiệu lực khi Quốc hội bầu được Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Xuân Phúc. |
Trước khi công bố kết quả thông qua nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn; Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín; Ban kiểm phiếu công bố kết quả; Quốc hội biểu biểu quyết bằng hình thức bấm nút (điện tử) thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.
Thời điểm nhận chức Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết "cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới".
"Chính phủ phải nỗ lực, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong việc tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công, đi công tác nước ngoài. Chúng ta cần phải trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội", ông Nguyễn Xuân Phúc nói khi nhậm chức.
5 năm sau, báo cáo công tác nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Đầu kỳ Formosa, cuối kỳ thì virus Corona hoành hành", "con tàu" Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ập đến tàn phá nặng nề nền kinh tế thế giới và các quốc gia.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội, phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”.
Thủ tướng cũng nhắc lại phát biểu của ông trước Quốc hội lúc đầu nhiệm kỳ: "Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48" và bày tỏ rất tự hào khi đến nay, xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới.
"Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045”,.
"Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn còn gì là xuân", Thủ tướng chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về nhiệm kỳ vừa qua.