Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trưa 13/11, ông Bùi Văn Cường,Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có kỳ họp chuyên đề. Chính phủ chuẩn bị hồ sơ, tài liệu để trình kỳ họp này. Tuy nhiên, hiện tài liệu gửi sang các cơ quan của Quốc hội chưa đầy đủ.
"Nếu như Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đúng theo quy định, đảm bảo chất lượng thì chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức kỳ họp chuyên đề", ông Cường nói.
Ông cho rằng Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đúng quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Có 7 vấn đề dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp chuyên đề cuối năm, trong đó có 2 vấn đề Chính phủ phải báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình. Còn 5 vấn đề, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động phối hợp với đơn vị liên quan của Chính phủ xem xét, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Nếu 6 tháng mới họp 1 lần thì Quốc hội không quyết định được nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền, làm chậm sự phát triển của đất nước. Sau này sửa nội quy kỳ họp, sửa Luật Tổ chức Quốc hội thì sẽ sửa những điểm này để Quốc hội có thể linh hoạt hơn.
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, hiện Quốc hội chưa nhận được Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trình sang. Với phương châm “từ sớm, từ xa”, đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tìm hiểu thông tin và chuẩn bị.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm tới (2021-2025).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với các kế hoạch trên; đồng thời có lộ trình phù hợp trên cơ sở đánh giá toàn diện những tác động của đại dịch Covid-19. Hiện Chương trình này đang được khẩn trương xây dựng. Nếu kịp sẽ trình Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.
Cũng theo bà Mai, cần tập trung bố trí nguồn lực, có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch; thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine.
Cần tính toán quy mô hỗ trợ tương ứng với mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; có phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, bảo đảm khả thi, hỗ trợ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm…