Trong buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với các địa phương chiều 19/8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đang dần được kiểm soát, số ca nhiễm mới giảm dần.
Ông Long nhấn mạnh: "Từ bài học của Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương, vấn đề đặt ra là các địa phương phải làm gì khi dịch bệnh xảy ra. Thực tế, nhiều địa phương còn lúng túng trong cách xử lý. Đó là lý do Bộ Y tế phải thường xuyên điều chuyên gia trung ương hỗ trợ các địa phương".
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện chúng ta đang tìm mọi phương pháp để tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19, dự kiến sớm nhất là 6 tháng cuối năm 2021 có thể đến với người dân. Chính vì lẽ đó nên người dân cần sẵn sàng chiến đấu với dịch. Các địa phương phải chuẩn bị cho tâm thế dịch sẽ kéo dài, nếu không có vắc xin, cuộc chiến chống dịch rất khó khăn.
"Dịch xảy ra ở các địa phương khác sẽ không kém phần phức tạp như Đà Nẵng. Thành phố này là ví dụ về vấn đề con người, cơ sở cấp cứu. Chúng ta đã nỗ lực nhưng không thể cấp cứu, phải huy động tổng lực từ trung ương đến hỗ trợ. Vậy, tình huống dịch xảy ra tại một tình miền núi sẽ càng khó khăn hơn. Chúng ta phải xác định từ nay trở đi sẽ không có khi nào bình yên, sẵn sàng có dịch", ông Long thẳng thắn nói.
Các địa phương cần nâng cao công suất xét nghiệm bằng PCR, chủ động chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, Trung ương sẽ hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm và thực hiện sàng lọc theo đúng quy định để được bảo hiểm y tế thanh toán. Tuy nhiên, việc sàng lọc trong cộng đồng sẽ không được thanh toán.
Các tỉnh, thành phải đảm bảo giường cấp cứu, nhân lực, nếu khoa chạy thận nhân tạo có bệnh nhân phải lập tức tách những người đang điều trị đến khu vực khác.
Cả nước đến nay có khoảng 150 ổ dịch, ngành y tế đã có nhiều bài học trong phòng chống dịch như nếu chần chừ sẽ rất nguy hiểm, phải truy tìm, cách ly nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cư dân, cộng đồng. Các cơ sở y tế phải có kế hoạch ứng phó để tránh trường hợp phong tỏa một loạt bệnh viện sẽ khó khăn trong điều trị người dân cần cấp cứu.
Các địa phương phải lên kịch bản sẵn về các bệnh viện sẽ hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân trong tình huống trên địa bàn có cơ sở y tế bị "đóng băng".
"Chúng ta phải bảo vệ điểm cốt tử của bệnh viện như khoa hồi sức, chạy thận nhân tạo và đội ngũ nhân viên y tế. Chúng ta không được nghĩ bệnh viện ngoại khoa, chuyên khoa đặc biệt sẽ không có Covid-19, phải sẵn sàng tâm thế chống dịch. Do đó, các bệnh viện cần tuân thủ nghiêm quy định của Bộ Y tế về phân luồng, cách ly, giám sát, điều trị, chống nhiễm khuẩn và bảo vệ nhân viên y tế trong bệnh viện", quyền Bộ trưởng nói.