• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rao bán súng hơi tràn lan trên mạng xã hội

Có khá nhiều trang web, fanpage hoặc kênh YouTube rao bán súng hơi trên mạng xã hội.

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao với sự việc trung úy Nguyễn Văn Tính, một cán bộ công an ở Hà Nội, sử dụng súng hơi khiến nam sinh Đại học Giao thông Vận tải tử vong. Súng của anh Nguyễn Văn Tính được mua trên mạng xã hội nhằm mục đích bắn chim. 

Trên thực tế, súng hơi (dạng súng săn) được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Người mua dễ dàng truy cập các trang bán loại súng này để đặt mua. Tại trang hanghot - một website chuyên bán súng hơi ở TPHCM, 10 khẩu súng được rao bán với các hình ảnh và video giới thiệu chi tiết, giá của khẩu súng này là từ 17,5 triệu đồng đến 35 triệu đồng. Ngoài ra, trang web này còn rao bán súng hơi loại thường với giá 9 triệu đồng.

Hình ảnh chi tiết khẩu súng hơi được rao bán trên trang web.
Hình ảnh chi tiết khẩu súng hơi được rao bán trên trang web.

Nếu muốn mua súng trực tiếp tại TPHCM, khách hàng phải chuyển khoản trước sau đó sẽ có người giao hàng tận nhà. Nếu khách ở xa thì sẽ giao qua bưu điện. Chỉ khi khách hài lòng thì mới thực hiện giao dịch và chỉ bán online do đây là mặt hàng cấm. Người bán cũng miêu tả đạn có thể làm chết người, tầm sát thương trong khoảng 100 m. 

Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội), Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 nghiêm cấm việc mua bán, chế tạo, sản xuất, sử dụng, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ các vũ khí thô sơ được cho phép.

Súng hơi (loại súng bắn chim) là vũ khí thuộc nhóm súng săn. Người sử dụng trái quy định nếu chưa gây ra hậu quả sẽ bị xử phạt hành chính 2-4 triệu đồng, theo quy định tại điểm d, Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ.

Nếu người dùng súng gây hậu quả chết người thì người thử súng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 306 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù 1-5 năm.

Đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng người vi phạm sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng, theo Khoản 5, Điều 10 Nghị định 167.

Còn người sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép sẽ bị phạt tiền 20-40 triệu đồng.

Người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ, còn có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm theo quy định tại Điều 306 Bộ luật hình sự.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật