Rất đông tình nguyện viên đã có mặt rất sớm tại Học viện Quân y (Hà Nội) đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine - nanocovax -tag202314/"> vaccine NanoCovax phòng COVID-19.
Là một trong số tình nguyện viên đến đăng ký tham gia thử nghiệm, thông tin với báo Sức khỏe & Đời sống, bạn Nga (24 tuổi) hiện là sinh viên cao học tại Học viện Quân Y cho biết bản thân đã từng tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 nên sau khi biết thông tin tuyển chọn tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 giai đoạn đầu, Nga cho biết em quyết định đến đăng ký vì “em có sức khoẻ, em đã có sự hiểu biết về dịch bệnh cũng như quy trình sản xuất vaccine của công ty Nanogen nên em không ngần ngại”.
Các bạn trẻ đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19. Ảnh: SK&ĐS |
Là đơn vị tiến hành thử nghiệm vaccine, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cam kết sẽ đặt tính an toàn của người tham gia lên cao nhất và là yếu tố hàng đầu khi thử nghiệm vaccine, không để tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm.
Đồng thời, GS Quyết cũng gửi lời cảm ơn tới người tình nguyện đã và sẽ đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine này. Hiện Học viện Quân y đã chuẩn bị các điều kiện và yêu cầu cho cuộc thử nghiệm này.
Bàn đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19. |
Tại buổi lễ khởi động, theo báo Sức khỏe & Đời sống, ông Hồ Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NANOGEN cho biết, vaccine NanoCovax đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm, hứa hẹn sẽ là vaccine phòng COVID-19 “made in Vietnam" đầu tiên đưa ra thị trường. Dự kiến giá khoảng 120.000 đồng/ liều. "Chúng tôi đang nỗ lực để có thể sản xuất vắc xin đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất...", ông Nhân thông tin.
Theo đó từ ngày 10/12, Học viện Quân y chính thức thông báo thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nanocovax phòng COVID-19 của Công ty Nanogen và khởi động Chương trình thử nghiệm vaccine tại Việt Nam.
Theo thông tin trong cuộc họp, giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm, bao gồm nhóm 1a với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên, tiếp theo là nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg và sau đó là nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg.
Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vaccine, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.
Giai đoạn 2 (từ tháng 2-tháng 8-2021) sẽ thử nghiệm trên 400 - 600 người tình nguyện từ 12-75 tuổi. Giai đoạn 3 (từ tháng 8-tháng 2-2022) thử nghiệm từ 1.500 - 3.000 người ở độ tuổi 12-75.
Số lượng, tiêu chuẩn lựa chọn, loại trừ người tham gia nghiên cứu và nội dung thông tin cung cấp cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thông qua.
Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên. Theo kế hoạch, ngày 17/12/2020 sẽ tiêm mũi vaccine đầu tiên cho người tình nguyện đủ điều kiện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1.
Theo TTXVN, đến thời điểm này, các nhà sản xuất vaccine COVID-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng. Có 3 đơn vị sản là Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Nanogen đã và đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật.
Tình nguyện viên được tư vấn kỹ khi đăng ký thử nghiệm. |
Đặc biệt, NANOGEN đã hoàn thành giai đoạn này và tập trung tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu, ngay sau khi tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 khoảng 1 tuần, các đơn vị sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên. Cùng với đó, các bên liên quan cần chuẩn bị để sẵn sàng cho giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng ngay, không để kết thúc giai đoạn 1 mới tiến hành bắt đầu công việc cho giai đoạn 2. Các đơn vị cần chủ động trong các giai đoạn để làm sao có vaccine càng sớm càng tốt.
Bộ Y tế cũng sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vaccine như việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vắc xin đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine.
(Tổng hợp)