Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đề xuất mục tiêu có vaccine để COVID-19, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong năm 2021.
Cụ thể, dự thảo đề cập đến thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vaccine tại Việt Nam trong năm nay và các năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ, hoặc nhập khẩu vaccine bán thành phẩm về đóng ống, sản xuất tại Việt Nam.
Vốn để nghiên cứu, phát triển vaccine huy động từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cho nhân dân.
Theo dự thảo, Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng rút gọn, rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép, nhưng bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vaccine thúc đẩy quá trình thử nghiệm, rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức thử nghiệm phù hợp.
Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất xây dựng các đề án thử nghiệm lâm sàng theo các giai đoạn, đề xuất việc thử nghiệm ở nước ngoài. Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp phê duyệt để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, cấp kinh phí thử nghiệm lâm sàng.
Khi kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công, các đơn vị xây dựng Đề án sản xuất vaccine, đề xuất nguồn vốn đầu tư sản xuất cho phù hợp.
Trường hợp cần hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách để sản xuất, các đơn vị xây dựng dự án, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định về đầu tư công và pháp luật về khoa học và công nghệ.
Trường hợp vaccine trong nước được đặt hàng theo quy định, Bộ Tài chính ban hành giá tối đa trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định giá vaccine sử dụng ngân sách địa phương. Các đối tượng không sử dụng ngân sách do đơn vị tự quyết định giá bán, theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý.