Sáng 7/9 sẽ bắt đầu phiên tòa xét xử 25 bị cáo về hành vi giết người khiến ba cảnh sát hy sinh tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, 4 bị cáo còn lại về hành vi chống cán bộ thi hành công vụ. Phó chánh toà hình sự TAND Hà Nội Trương Việt Toàn, người từng xét xử cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, làm chủ toạ. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.
25 người bị truy tố tội Giết người với khung hình phạt từ 12 năm tù đến án tử hình. 4 người cáo buộc phạm tội Chống người thi hành công vụ, khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Bị cáo bị áp giải vào sân TAND Hà Nội lúc 6h30. Ảnh: Giang Huy |
Trong 25 người bị truy tố về tội Giết người, Lê Đình Công (56 tuổi), Bùi Viết Hiểu (77 tuổi), Nguyễn Văn Tuyển (Tuyển "Cụt", 46 tuổi), Nguyễn Quốc Tiến (Tiến "Mạ", 40 tuổi) cùng ông Kình có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp giết người. Ông Kình đã chết nên bị đình chỉ điều tra.
Các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức tích cực gồm: Lê Đình Chức (40 tuổi), Lê Đình Doanh (32 tuổi, con của Lê Đình Công), Lê Đình Uy (27 tuổi), Nguyễn Văn Quân (Quân "Mạ", 40 tuổi), Lê Đình Quang (36 tuổi), Bùi Thị Nối (62 tuổi), Bùi Thị Đục (63 tuổi), Nguyễn Thị Bét (59 tuổi), Nguyễn Thị Lụa (64 tuổi), Trần Thị La (42 tuổi), Bùi Văn Tiến (51 tuổi), Nguyễn Văn Duệ (58 tuổi), Lê Đình Quân (Quân "Toàn", 44 tuổi), Bùi Văn Niên (Niên "Cụt", 40 tuổi), Bùi Văn Tuấn (29 tuổi), Trịnh Văn Hải (32 tuổi), Nguyễn Xuân Điều (68 tuổi), Mai Thị Phần (57 tuổi), Đào Thị Kim (37 tuổi), Lê Thị Loan (54 tuổi), Nguyễn Văn Trung (32 tuổi).
4 bị cáo Lê Đình Hiển (31 tuổi), Bùi Viết Tiến (20 tuổi), Nguyễn Thị Dung (67 tuổi), Trần Thị Phượng (36 tuổi) bị cáo buộc phạm tội Chống người thi hành công vụ.
33 luật sư tham gia bào chữa, trong số này 15 người do bị cáo, gia đình bị cáo mời; 18 luật sư còn lại do tòa án chỉ định bào chữa cho những bị cáo thuộc diện phải có người bào chữa nhưng không mời.
Trước đó vào năm 2013, ông Lê Đình Kình cũng con trai Lê Đình Công và Bùi Viết Hiểu đã thành lập "Tổ Đồng thuận" để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện nhằm chiếm đoạt đất quốc phòng ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm.
Đến tháng 11/2018, Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng, có kế hoạch xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn trong đó có phần diện tích năm ở xã Đồng Tâm. Quân chủng đã để nghị Công an Hà Nội hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự.
Công an Hà Nội có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho lực lượng xây dựng tường rào, bảo vệ trụ sở UBND xã Đồng Tâm, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.
Theo cáo buộc của VKSND Hà Nội cáo buộc, tháng 12/2019 ông Kình chỉ đạo Công bàn bạc với thành viên "Tổ Đồng thuận" mua lựu đạn, chuẩn bị vũ khí để "tấn công, tiêu diệt. Trong đó, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến đảm nhận việc mua lựu đạn, bị cáo Công học cách chế bom xăng bằng cách đổ vào chai thủy tinh và nút bằng giả. Tổng cộng có 85 chai bom xăng, 10 tuýp sắt gắn dao phóng lợn đã được chuẩn bị.
Ngày 1/1, trong video về công tác chuẩn bị, phát trực tiếp lên mạng xã hội, bị cáo Công nói: "Công an đưa quân về Đồng Tâm sẽ không bắt một thằng nào nữa, nếu không tiêu diệt được từ 300 đến 500 thằng sẽ không nhìn mặt đồng bào cả nước". Nhóm này còn thường xuyên họp tìm cách chống đối, bàn kế hoạch ngăn cản bất kỳ ai muốn sử dụng đất ở Đồng Tâm.
Tối 8/1, bị cáo Công chỉ đạo thành viên "Tổ Đồng thuận" chuyển toàn bộ vũ khí, công cụ chuẩn bị sẵn về tập kết ở nhà ông Kình.
Sáng 9/1, khi lực lượng chức năng tiến vào thôn Hoành, các đối tương đã ném bom xăng, lựu đạn, gạch đá vào lực lượng công an. Sau khi thuyết phục không thành công, một tổ công tác gồm 3 chiến sĩ: Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân được chỉ đạo tiếp cận tầng 1 nhà Lê Đình Hợi để tiến sang nhà Lê Đình Chức.
Khi các chiến sĩ di chuyển từ cửa sổ tầng 2 nhà Lê Đình Hợi định tiếp cận mái nhà Chức thì bị các đối tượng dùng tuýp sắt có gắn phóng lợn để tấn công và ném đá gạch khiến các chiến sĩ ngã xuống hố sâu 4 m nằm giữa hai nhà.
Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh lấy một can xăng khoảng 5 lít đổ ra chậu rồi thả xuống hố và châm lửa, sau đó còn cho thêm xăng khiến ba đồng chí chiến sĩ công an hy sinh.
Lúc này, nhiều tổ cảnh sát đồng loạt tiến vào từ nhiều hướng. Cáo trạng nêu rõ: "Khi phá cửa ngách nhà ông Kình, cảnh sát phát hiện ông đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong, tay cầm một quả lựu đạn và hô to: Tao cho nổ, chúng mày chết".
Trong cự ly khoảng 2-2,5 mét, cảnh sát nổ hai phát súng khiến ông Kình bị thương, chết sau đó.
VKSND Hà Nội nhận định việc cảnh sát "nổ súng tiêu diệt" ông Kình là "cần thiết và đúng pháp luật", theo Luật quản lý, sử dụng vũ khí 2017.
Công an Hà Nội kết luận vụ án bắt nguồn từ việc trong nhiều năm chính quyền xã buông lỏng, có sơ hở trong quản lý dẫn đến việc lấn chiếm, xây dựng trên đất quốc phòng. Người dân khu vực đã nhiều lần phản ứng trong buổi làm việc và giải thích khu đất đồng Sênh là đất quốc phòng.
Trong thời gian dài, Đồng Tâm trở thành "điểm nóng" về an ninh trật tự trong thời gian dài. Ngày 15/4/2017, 38 cảnh sát cơ động, cán bộ khi đến đây đã bị nhóm chống đối vây giữ trong nhà văn hóa thôn suốt 7 ngày.