Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo khi đăng bất cứ thông tin gì lên mạng xã hội về dịch COVID-19, người dân phải trích dẫn nguồn chuẩn xác, có dẫn chứng cụ thể từ các cơ quan chức năng được quyền thông tin.
Khuyến cáo này được đưa sau khi 3 trường hợp ở Hà Nội bị xử phạt mỗi người 7,5 triệu đồng vì tung tin sai sự thật về bệnh nhân COVID-19 đi hát karaoke tay vịn và lịch trình.
Việc công bố thông tin về bệnh nhân COVID-19 của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam đều đảm bảo quyền của công dân khi danh tính của họ đều được viết tắt và ký hiệu bằng số. Một số thông tin về lịch trình cũng được cân nhắc nêu ra trong các thông báo khẩn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhưng vẫn có tình trạng đời tư của người nhiễm hoặc nghi nhiễm bị đưa lên mặt báo rất chi tiết, thậm chí có những cá nhân còn tung tin thất thiệt, nhiều trường hợp bị cộng đồng mạng săn lùng, suy diễn, công kích. Điều này gây ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh và gia đình cũng như công tác phòng chống dịch.
Mới đây, vợ một bệnh nhân mắc COVID-19 đã bức xúc vì lịch trình di chuyển của chồng mình đã bị đăng tải không chính xác. Chị chia sẻ: "Họ đã trộn lẫn lịch trình của tôi với chồng tôi. Tôi là người đến địa điểm đó. Chồng tôi hoàn toàn không đến đó. Điều này làm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng địa phương ở khu vực này. Việc đi trị liệu massage hầu như tuần nào chồng tôi cũng làm để dễ chịu sau cả tuần làm việc mệt mỏi. Tôi không hiểu tại sao qua ngòi bút của báo mạng, hoạt động đó lại có nhiều ẩn ý như vậy".
Tháng 3/2020, Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam đã khuyến cáo cần thận trọng khi đưa thông tin cá nhân của người bệnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ: "Thủ tướng hoàn toàn nhất trí ý kiến của WHO. Việt Nam lên án hành động kỳ thị với người bệnh. Những người phao tin đồn nhảm sẽ bị xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự".
Ngoài ra, pháp luật của Việt Nam cũng đã có những quy định rất rõ ràng, chặt chẽ để bảo vệ quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người bệnh.