Liên quan đến sự việc đã vỉa hè ở nhiều quận tại Hà Nội vừa lát xong đã vỡ, ông Hoàng Ngọc Thắng, Phó chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng), cho biết năm vừa qua, sở đã kiểm tra việc lát đá vỉa hè ở 21 tuyến phố để báo cáo TP.
Qua kiểm tra, Sở nhận định việc thi công, sử dụng vỉa hè có nhiều vấn đề. Cụ thể đơn vi thi công dàn trải, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng đá. Các mẫu đã không được TP quy định cứng cho từng quận nên vật liệu sử dụng không đồng nhất.
Đá lát vỉa hè vỡ sau vài năm sử dụng trên đường Trần Phú (quận Hà Đông). Ảnh: Sơn Hà. |
Tuy nhiên, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng Nguyễn Quang Huy thừa nhận việc giám sát kỹ từng dự án ở từng quận là điều không thể bởi nhân lực của sở có hạn. Ông Huy cho rằng cần phải nói đén trách nhiệm của chủ đầu tư, tức là UBND quận.
"UBND quận ra quyết định đầu tư thì Phòng Quản lý đô thị quận phải có trách nhiệm nghiệm thu", ông Huy nó.
Ông Huy khẳng định quan điểm đơn vị nào ra quyết định đầu tư thì phải gắn với trách nhiệm nghiệm thu, kiểm định công trình.
Về thông tin đá lát có độ bền 50 - 70 năm, ông Thắng nói rằng thông tin này chưa thực sự chính xác, vì bền hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có quá trình sử dụng.
"Nhiều tuyến, vỉa hè cho người đi bộ vừa làm xong, ôtô leo lên, nhiều nơi còn tổ chức trông xe trên vỉa hè, chả có đá nào chịu được vì có thiết kế để ôtô đi lên đâu", ông Thắng nói.
Nếu việc thi công đảm bảo kỹ thuật, sử dụng đúng công năng thì độ bền 50-70 năm là chắc chắn, nhưng nếu vỉa hè được sử dụng không đúng công năng thì đưa ra cam kết về độ bền là không hợp lý.
Năm 2017, nhiều quận nội thành Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm lát lại đá vỉa hè trên các tuyến phố lớn theo đề án chỉnh trang đô thị được UBND Hà Nội đưa ra cuối năm 2016. Nhưng chỉ sau 2 năm, chất lượng đá lát vỉa hè bắt đầu xuống cấp, đá lát bị vỡ, hỏng, nứt.
Tháng 2/2018, Thanh tra Hà Nội chỉ ra nhiều sai phạm trong việc lát đá vỉa hè. Các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của thành phố.