SungGoup âm thầm xây bệnh viện
Tập đoàn Sun Group đã bàn giao cho UBND thành phố Đà Nẵng Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn vào chiều ngày 5/8, để đưa vào chữa trị bệnh nhân chỉ sau 3,5 ngày thi công.
Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn - Đà Nẵng. |
Dự án Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn do Tập đoàn Sun Group tài trợ và chịu trách nhiệm thi công. Bệnh viện này hỗ trợ giảm tải cho các bệnh viện của thành phố trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Đây được xem là Bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul theo tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng. Hệ thống buồng/giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn…. được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.
Sungroup huy động 500 người lao động, làm việc 24/24 xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn chỉ trong 3,5 ngày. Ảnh: TTXVN |
Hiện tại, Bệnh viện đã được lắp đặt 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1. Ông Dương Thế Bằng, Chủ tịch Sun Group miền Trung, cho biết tùy vào diễn biến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến sẽ được mở rộng với quy mô tối đa có thể đáp ứng 700-1.000 giường bệnh. Vì thế, doanh nghiệp chưa thể dự tính được chi phí cho việc xây dựng. Nhưng dù ra sao, tập đoàn này cũng quyết tâm đồng hành cùng Đà Nẵng.
Tuy là bệnh viện dã chiến nhưng từng buồng bệnh được trang bị đầy đủ tiện nghi với giường y tế, tủ đầu giường, quạt, móc treo đồ, công tắc, ổ cắm, đèn chiếu sáng phục vụ thăm khám, đặc biệt có nút nhấn khẩn cấp báo đến trung tâm chỉ huy. Toàn bộ khu vực bệnh nhân có camera phủ khắp, trang bị đầy đủ thiết bị để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ.
Hàng trăm cán bộ nhân viên doanh nghiệp tham gia vệ sinh, vận chuyển, lắp đặt thiết bị… để Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn hoàn thành sớm hơn sự kiến 2,5 ngày. Ảnh: Sun Group |
Sau 72 giờ, Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn đã được hoàn thành với sự góp sức của hơn 500 công nhân thi công trực tiếp, liên tục. Các công nhân chia ca kíp làm việc xuyên suốt 72 giờ. Ngoài ra, Sun Group còn huy động thêm hàng trăm cán bộ nhân viên hỗ trợ gián tiếp tham gia các khâu như mua sắm, vận chuyển nguyên vật liệu, nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, vận chuyển, lắp đặt thiết bị,…
Sun Group gọi bệnh viện dã chiến là lá chắn Tiên Sơn góp sức đẩy lùi đại dịch, sớm mang lại bình yên cho Đà Nẵng, nơi mà tập đoàn đang có khá nhiều dự án đầu tư, cũng như hàng trăm lao động đang làm việc.
Một cán bộ Sun Group chia sẻ: "Đóng góp nhỏ này hy vọng sẽ tiếp thêm động lực, góp thêm một cánh tay để Đà Nẵng có đủ sức mạnh và niềm tin vượt qua đại dịch. Nhưng, điều những người Sun Group chúng tôi tâm niệm và mong muốn nhất, là bệnh viện dã chiến này sẽ không có cơ hội được dùng đến".
Để đi vào vận hành, Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn không thể thiếu sự góp sức của Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco). Đơn vị này chịu thi công nâng năng lực cấp nước với công suất 240 m3/ngày đêm.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cũng đã hoàn thành công tác thi công, sẵn sàng vận hành phương án cấp điện để bệnh viện dã chiến tại Cung Thể thao Tiên Sơn đi vào hoạt động.
Dawaco nâng năng lực cấp nước với công suất 240 m3/ngày đêm cho Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn. Ảnh: Báo Đà Nẵng |
Công ty Cổ phần Môi trường Huy Hoàng ECO, thành viên của Tập đoàn Ecopark, đang đầu tư trang thiết bị máy móc, thi công xử lý hệ thống nước thải của Bệnh viện dã chiến. Ecopark cũng sẽ là đơn vị vận hành hệ thống xử lý nước thải trong thời gian hoạt động của bệnh viện với kinh phí tài trợ hơn 5 tỷ đồng.
VNPT, FPT, Viettel chia nhau hỗ trợ viễn thông
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ngay trong ngày 5/8 đã hoàn thành cung cấp hạ tầng và dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin cho Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn.
VNPT Đà Nẵng đã kéo hàng trăm km cáp quang, dây thuê bao quang, cùng các thiết bị mạng khác để thiết lập mạng internet cáp quang, wifi và điện thoại cố định... phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ứng dụng dịch vụ của các cấp và đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến.
Kỹ sư VNPT Đà Nẵng triển khai dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin tại Bệnh viện dã chiến. Ảnh: VNPT Media |
Trưa 6/8, Viễn thông FPT (FPT Telecom) cũng hoàn tất hạ tầng đường truyền Internet tốc độ cao phủ kín hơn 10.000 m2 ở Bệnh viện dã chiến. Theo Sở Y tế Đà Nẵng, việc lắp đặt hạ tầng Internet nhằm đảm bảo thông tin liên lạc giữa Bệnh viện dã chiến với Sở Y tế thành phố, các đơn vị liên quan cũng như giữa các bộ phận bệnh viện.
Trước đó, FPT Telecom đã phê duyệt phương án hỗ trợ miễn phí toàn bộ hạ tầng, đường truyền Internet tốc độ cao, hệ thống Internet phủ kín hơn 10.000 m2 quanh khu vực nói trên.
Cùng ngày, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã hoàn thành toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhằm đảm bảo chất lượng mạng lưới và dịch vụ tại Bệnh viện dã chiến Cung Thể thao Tiên Sơn. Viettel đã lắp đặt, phát sóng trạm BTS 4G mới phủ cả bên trong và ngoài bệnh viện, dung lượng đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của toàn bộ y, bác sĩ, bệnh nhân, người nhà cũng như quá trình tổ chức, điều hành.
Viettel cũng triển khai cầu truyền hình cho Bệnh viện dã chiến ở cả Cung Thể thao Tiên Sơn và huyện Hòa Vang.
Sự đóng góp lớn của Vingroup
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã nhanh chóng chi 10 tỷ đồng hỗ trợ Quảng Nam và Đà Nẵng chống dịch. Đại diện VPBank chia sẻ: “Ngân hàng hết sức cảm phục với việc chính quyền và người dân Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang kiên cường, quyết liệt khoanh vùng, xử lý và hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, vừa chữa trị cho người bệnh, vừa đảm bảo tối đa sự an toàn cho người dân”.
Rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân, hội nhóm đang dồn sức cùng Đà Nẵng vượt qua dịch bệnh. Ảnh: Truyền thông PCD. |
Trong đợt dịch bùng phát đầu năm, nhà băng này cũng đã ủng hộ 15 tỷ đồng tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần ứng phó, giảm thiểu thiệt hại từ dịch COVID-19.
Trong ngày 5/8, VietinBank cũng chi 10 tỷ đồng hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam.
Ngày 6/8, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng chi 5 tỷ đồng gồm tiền mặt, trang phục bảo hộ y tế, gạo... để chia sẻ với 2 tỉnh miền Trung này...
Vingroup vẫn là doanh nghiệp tiên phong góp sức người, sức của cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19. Tập đoàn này vừa đề nghị tài trợ thêm hoá chất LightPower IVASARS-CoV-2 stRT-rPCR Plus Kit để thực hiện 50.000 xét nghiệm chẩn đoán phát hiện virus Sars-CoV-2, trị giá gần 30 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ mày thở, còn cung cấp hoá chất xét nghiệm và các hạng mục cần thiết để triển khai xét nghiệm chẩn đoán phát hiện virus. Ảnh: Vingroup |
Ngoài ra, Vingroup còn cung cấp hoá chất xét nghiệm và các hạng mục cần thiết để triển khai xét nghiệm chẩn đoán phát hiện virus tại Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng. Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng sẽ tiếp nhận mẫu từ CDC Đà Nẵng để thực hiện xét nghiệm với công suất tối đa là 500 test/ngày. Các hoá chất và vật tư tiêu hao liên quan phục vụ cho xét nghiệm sẽ được Tập đoàn Vingroup tài trợ.
Trước đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trao tặng 100 máy thở xâm nhập VFS-510 cho Đà Nẵng và mở cửa bệnh viện Vinmec Đà Nẵng để tiếp nhận các ca bệnh có phương tiện đặc biệt để xử lý như bệnh nhân có chỉ định can thiệp mạch vành, chấn thương xương, chấn thương sọ não…