• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác giả "Hát cho dân tôi nghe" Nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời

Ông mất vào sáng 26/7, tại Bệnh viện Quân y 175, sau thời gian điều trị bệnh.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh ngày 25/2/1942, quê ở Huế nhưng sinh tại Đà Nẵng. Bố ông có thời kỳ dạy học ở Đà Nẵng, rồi quen mẹ ông lúc đó đang bán hàng ở chợ Hàn (bà là người Đà Nẵng). Ngay từ thuở ấu thơ, ông đã chịu kiếp nạn chiến tranh.

Năm 1954, gia đình ông trở về Huế. Tại đây, từ những năm 60, nhiều người yêu âm nhạc đã biết đến những bản tình ca của Tôn Thất Lập như: “Những con đường nhỏ”, “Tiếng hát về khuya”...

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (Ảnh: Internet)
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (Ảnh: Internet)

Tôn Thất Lập còn nhớ, ba ông kể: “Không biết cụ Phan Bội Châu hay tiền nhân nào từng nói đại để, tay bẩn lấy gì rửa? Lấy nước. Thế còn nước mà bẩn. Nước mà bẩn chỉ lấy máu mà rửa”. Và cũng từ đó, ông tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, phật tử… Cũng trong thời gian này ông sáng tác bài “Hát cho dân tôi nghe”, được phổ biến rộng rãi ở Sài Gòn.

“Hát cho đồng bào tôi nghe” ban đầu là một phong trào tự phát, rồi sau có tổ chức dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, với mục đích chính là góp phần tranh đấu vì hòa bình và thống nhất Việt Nam

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập cùng với các nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Phú Yên, Miên Đức Thắng... thực hiện những đêm văn nghệ Vì Hòa Bình tại khuôn viên các trường đại học. Và tại Trường Đại học Nông Lâm Súc Sài Gòn đêm 27/12/1969, chương trình hội ngộ thanh niên yêu nước chính thức lấy tên “Hát cho đồng bào tôi nghe”.

Năm 1968, với cương vị Trưởng đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn, Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác - Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cùng với các nhạc sĩ sinh viên: Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên,... thực hiện phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Ảnh Internet
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Ảnh Internet

Hạt nhân của chương trình “Hát cho đồng bào tôi nghe” là ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang”.

Ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” phản ánh đầy đủ quan niệm sáng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “Sứ mệnh của văn nghệ sĩ là phải luôn luôn chọn đứng bên bờ vực thẳm để thấy hết nỗi đau của đời người của người dân ở hạng cùng đinh. Và nhiệm vụ là viết bản án kết tội những người đã đưa họ xuống vực thẳm”.

Năm 1973, nhạc sĩ Tôn Thất Lập sang Pháp hoạt động cùng phong trào sinh viên nơi đây. Ông vừa đi học thêm nâng cao trình độ, vừa đi làm để kiếm sống. Hằng đêm, ông vẫn nghe qua đài về tình hình chiến trận, dõi theo những hoạt động của sinh viên nước nhà. 

Thời gian này Tôn Thất Lập sáng tác nhiều ca khúc như “Không thể ngồi yên”, “Tiếng gọi sinh viên”, “Thanh niên ơi phố phường gọi ta đó”… bằng tình cảm rất tha thiết, nung nấu khi mà đất nước vẫn chìm trong lửa đỏ. 

Kết thúc chiến tranh, ông công tác tại Sở Văn hoá - Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều ca khúc ông sáng tác trong thời kỳ này đã được đông đảo quần chúng mến mộ: "Tình ca mùa xuân", "Tình ca tuổi trẻ", "Trị An âm vang mùa xuân", "Mưa thì thầm", "Oẳn tù tì", "Cô bé dễ thương", "Tình yêu mãi mãi",...

Năm 2022, ở tuổi 80, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có chương trình Hát cho dân tôi nghe - nhìn lại sự nghiệp hơn nửa thế kỷ sáng tác của ông, tại Nhà hát Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.

Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 2 vào năm 2007. 

Tang lễ cố nhạc sĩ diễn ra ngày 28/7. Ông được an táng tại Nghĩa trang TPHCM vào ngày 30/7. 

Thanh Mai (Tổng hợp)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật