Trong công văn gửi tỉnh Quảng Trị, Công ty CP Tập đoàn FLC đã đề xuất xin phê duyệt chủ trương nghiên cứu, đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Công văn nói lĩnh vực hàng không được xác định là mục tiêu mũi nhọn của Tập đoàn FLC trong năm 2020, cũng như kế hoạch 5 năm 2020-2025.
Vào tháng 7 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.
Sau khi được giao nâng cấp sân bay Đồng Hới - Quảng Bình, FLC tiếp tục đề xuất xây sân bay Quảng Trị. Ảnh: FLC |
Tập đoàn FLC đề xuất với tỉnh Quảng Trị giao Tập đoàn nghiên cứu, đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị nằm tại xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh.
Sân bay Quảng Trị cách TP. Đông Hà 7km; là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự.
Đây là cảng hàng không nội địa có chức năng vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa, và là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự được xây dựng trên diện tích 594 ha.
Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng 1 nhà ga hành khách tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu ba, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000m2, công suất 1 triệu hành khách/năm và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu…
Theo tính toán, để xây dựng mới cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP.
Tập đoàn đánh giá, dự án này nếu được thông qua sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải, tạo động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, thúc đẩy phát triển du lịch, khai thác tiềm năng lợi thế một tỉnh ven biển có chiều dài bờ biển 75 km, thu hút đầu tư vào khu kinh tế trọng điểm, thu hút khách du lịch.
Trước đó tại Quảng Trị, FLC đã đề xuất đầu tư nhiều dự án lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tiêu biểu là nhóm dự án Khu du lịch sinh thái Gio Linh 1, Gio Linh 2 và Gio Linh 3 tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh, với tổng quy mô hơn 35,5 ha và tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.300 tỷ đồng.
Dự kiến, nhóm dự án sẽ bao gồm các khối khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng quy mô lớn; khu trung tâm hội nghị quốc tế và hàng loạt các công trình hạ tầng phục vụ cho khu nghỉ dưỡng như khu vực sảnh, đón tiếp; khu bể bơi ngoài trời; khu nhà dịch vụ, spa...
Bên cạnh đó là các dự án Vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM – Quảng Trị tại huyện Cam Lộ; Dự án Khu Thể dục Thể thao Cửa Tùng tại huyện Gio Linh; Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ, khách sạn và nhà ở FLC tại thành phố Đông Hà…
Đây không phải lần đầu FLC muốn xây sân bay. Tại Tọa đàm Xây dựng môi trường cạnh tranh của ngành hàng không tháng 5/2019, ông Đặng Tất Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực hãng hàng không Bamboo Airways, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, từng khẳng định có thể đầu tư toàn bộ hết hạ tầng sân bay, giống như SunGroup làm tại Sân bay Vân Đồn.
Ông Thắng nhận mạnh nếu Hà Nội hay TP.HCM giao đất cho FLC và Bamboo Airways, doanh nghiệp cam kết hoàn thành một cảng hàng không mới trong 2 năm
Cũng năm này, FLC đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ, đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Năm 2018, FLC cũng có đề xuất tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay Đồng Hới, Quảng Bình và tỉnh Quảng Bình đã đồng ý chủ trương để FLC đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế theo hình thức đối tác công tư PPP.