Hiệp định này sẽ giúp khai thông dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao từ EU vào Việt Nam, cũng như cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng mang lại nhiều giá trị gia tăng.
Đây là nhận định của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Rome về thời cơ và thách thức của Việt Nam một khi EVFTA bắt đầu có hiệu lực.
Cơ hội từ EVFTA
Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thanh cho biết EVFTA dự kiến sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng thêm từ 2-3% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, từ 4,5-5,3% cho 5 năm tiếp theo và 7,0-7,7% cho giai đoạn 5 năm sau đó.
Theo nghiên cứu trước khi dịch COVID-19 xảy ra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc, thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm, dệt may và da giày.
EVFTA dự kiến sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng thêm từ 2-3% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện. Ảnh minh họa |
Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong thời gian từ tháng 1-5/2020 giảm 9,68% so với cùng kỳ năm 2019. Do đó, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể chỉ tăng khoảng 5% trong năm 2020, và bắt đầu tăng dần từ năm 2021. EU là đối tác FTA dành cho Việt Nam cam kết ưu đãi thuế quan ở mức độ cao nhất từ trước tới nay.
EU sẽ cho phép 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam hưởng mức thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực và loại bỏ thuế với gần như tất cả hàng hóa còn lại chỉ sau 7 năm. EU cũng là đối tác mở cửa rộng nhất thị trường mua sắm công của họ cho các nhà thầu cung ứng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Vào tháng Tám tới, khi những cam kết của EVFTA chính thức có hiệu lực cũng là lúc nền kinh tế EU nói riêng và kinh tế thế giới nói chung dự kiến sẽ bước vào một trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn.
Trong cuộc chạy đua nhằm thu hút đầu tư thời COVID-19, EVFTA càng trở nên có ý nghĩa quan trọng. Sức mua của thị trường EU sau đại dịch chắc chắn sẽ còn suy yếu một thời gian dài. Nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu như hàng thời trang, đồ gỗ... càng hạn chế hơn.
Trong khi đó, nguồn cung sẽ lại rất dồi dào, đặc biệt là khi các nhà xuất khẩu khác như Trung Quốc, các nước ASEAN khôi phục sản xuất, cộng với lượng hàng hóa bị ứ đọng từ nhiều tháng trước. Trước tình trạng “trăm người bán, vài người mua” như vậy, EVFTA sẽ tạo ra nhiều lợi thế lớn, nhất là lợi thế về thuế quan, cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU. Việc nắm bắt được xu hướng mới của thế giới sau đại dịch, xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế bền vững sẽ tạo ra một giá trị gia tăng mới cho bất cứ bên nào trong một thế giới đầy biến động.
Thách thức ở phía trước
Theo Tham tán Thương mại Nguyễn Đức Thanh, mặc dù có khá nhiều cơ hội, nhưng các doạnh nghiệp Việt Nam sắp tới sẽ phải tuân thủ rất nhiều quy định, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt của EU. Các doanh nghiệp cần đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng châu Âu ngay từ khẩu vị, bao bì cho đến vấn đề an toàn thực phẩm. Hàng hóa xuất sang EU sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn rất cao về lao động, môi trường...
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải gia tăng quy mô sản xuất, tăng cường hợp lực với nhau và cần đảm bảo sự minh bạch. Ông Nguyễn Đức Thanh dẫn chứng rằng có doanh nghiệp sản xuất mật ong ở Việt Nam luôn tự hào là có sản phẩm đạt chuẩn để có thể xuất sang châu Âu, nhưng lại chưa nắm rõ về thị trường này.
Ảnh minh họa. |
Châu Âu, đặc biệt là Italy và Pháp, là nơi có truyền thống sản xuất mật ong lâu đời. Họ áp đặt các tiêu chuẩn khá ngặt nghèo trong quá trình sản xuất, như cấm giết ong khi nuôi lấy mật. Hay như trong buôn bán cà phê chế biến, các doanh nghiệp Việt Nam thường hay chào bán cà phê hòa tan, có nhiều hương liệu. Trong khi đó, người dân châu Âu lại thích các loại cà phê có hương vị nhẹ nhàng, tự nhiên.
Hiện nay, Việt Nam đang có thế mạnh riêng liên quan đến EVFTA. Tuy nhiên, EU cũng sẽ sớm kết thúc đàm phán FTA với Thái Lan và Indonesia. Lúc đó, ưu thế EVFTA của Việt Nam sẽ giảm xuống. Do đó, Việt Nam cần phải đi nhanh hơn để tận dụng cơ hội.
Trải qua đại dịch COVID-19, các nước lớn ở Tây Âu như Đức, Pháp và Italy đều ý thức rằng họ không nên quá phụ thuộc vào nguồn cung ứng thiết bị y tế từ Trung Quốc cũng như Việt Nam. Họ sẽ trở nên dè dặt trong việc nhập khẩu hàng thiết yếu từ các nước châu Á.
Bên cạnh đó, họ đang và sẽ tiếp tục khôi phục chuỗi cung ứng nội địa. Cuộc chơi hậu COVID-19 dự kiến sẽ có nhiều thay đổi. Cơ hội cho Việt Nam cũng nhiều, song thách thức cũng không hề nhỏ. Điều quan trọng là Việt Nam cần tìm một lối đi riêng, chẳng hạn như giảm việc gia công hàng hóa ít có giá trị gia tăng, nhằm tận dụng triệt để lợi thế.
Yêu cầu đặc thù của thị trường Italy
Đánh giá về yêu cầu đặc thù của thị trường Italy, ông Nguyễn Đức Thanh cho hay khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu sang thị trường EU cũng tương tự như những vướng mắc khi hợp tác với các doanh nghiệp Italy. Đó là những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định về chứng nhận, bao bì...
Bên cạnh đó, trong hợp tác thương mại với doanh nghiệp Italy, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp một số khó khăn khác như môi trường pháp lý của Italy khá phức tạp; những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, an toàn hoặc về môi trường thường được áp dụng bởi các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật cao, thậm chí có khi còn cao hơn cả những yêu cầu cơ bản của EU.
Ngoài ra, người Italy có truyền thống kinh doanh thương mại với các đối tác ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi (nơi có nhiều người châu Âu hoặc người gốc Italy đang làm ăn, sinh sống), đồng thời họ thường hay sử dụng ngôn ngữ tiếng Italy trong giao dịch.
Hiện những công ty lớn của Việt Nam hoặc các doanh nghiệp FDI đang có quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp đa quốc gia hay của Italy thì đã có thị trường tương đối ổn định. Nhưng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, giá cả và mẫu mã hàng hóa vẫn chưa cạnh tranh được với hàng hóa của một số nước khác.
Ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải am hiểu thị trường sản phẩm dự định xuất khẩu, tìm hiểu thị phần của các đối thủ cạnh tranh đối với sản phẩm đó.
Những ngành hàng có thể được đẩy mạnh tại thị trường Italy
Đánh giá về những lĩnh vực cụ thể mà Việt Nam có thể tận dụng EVFTA để thúc đẩy phát triển hơn nữa tại thị trường Italy, ông Nguyễn Đức Thanh cho hay những mặt hàng có triển vọng gồm: Động cơ điện (với 100% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực); Điện thoại, linh kiện (với 98% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực); mật ong (EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan ); Giày dép (với 43% dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực); hàng dệt may, y tế (khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, máy thở…), dược phẩm, máy móc thiết bị và phụ tùng, đồ gỗ; Hàng thủy sản (với 51,8% số dòng thuế thuộc Chương 3 trong biểu mã HS hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu tại EU ngay khi EVFTA có hiệu lực, 25,4% dòng thuế được giảm dần trong vòng 4 năm, 18,3% số dòng thuế giảm dần trong vòng 6 năm và 4,5% số dòng thuế giảm dần trong vòng 8 năm); Hàng nông sản (chè, cà phê với 100% số dòng thuế được xóa bỏ về 0%; quế, hoa hồi, hạt tiêu, hạt điều, hoa quả với 86,3% số dòng thuế sẽ về 0%; rau...vv).
Đối với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, không áp dụng hạn ngạch.
Italy là quốc gia xuất nhập khẩu gạo khá lớn trong EU. Năm 2019, Italy xuất khẩu khoảng 675.000 tấn gạo (tương đương 624 triệu USD) sang các nước trên thế giới và nhập khẩu khoảng 221.000 tấn gạo (tương đương 174 triệu USD). Trong đó, Italy nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 7.000 tấn gạo (tương đương 5 triệu USD), tức Việt Nam chỉ chiếm 3,1% thị phần nhập khẩu gạo của Italy.
Trong khi đó, Italy nhập của Pakistan 70.000 tấn gạo (tương đương 64 triệu USD), từ Thái Lan 19.000 tấn gạo (21 triệu USD), từ Ấn Độ 16.000 tấn gạo (18 triệu USD). Hiện gạo Việt Nam đang có tiềm năng khá lớn để xuất sang Italy nhằm phục vụ cộng đồng người châu Á tại đây. Nguyên do là gạo sản xuất ở Italy chỉ phù hợp cho việc chế biến các món ăn của Italy, trong khi gạo Việt Nam lại phù hợp với người châu Á và không cạnh tranh trực tiếp với gạo sản xuất tại đất nước “hình chiếc ủng”.
Chức năng cầu nối của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy
Ông Nguyễn Đức Thanh khẳng định Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy luôn sẵn sàng là cầu nối giao thương giữa hai nước, để các doanh nghiệp hai bên có thể nắm bắt được tình hình nước sở tại, đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới.
Bộ phận Thương vụ chuyên nghiên cứu, nhận định về các xu hướng thương mại hiện tại, những lĩnh vực tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam , xác minh năng lực của doanh nghiệp sở tại để kết nối doanh nghiệp hai bên và thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư giữa hai nước.
(Nguồn: TTXVN)