Gần đây, một số cửa hàng thông báo thanh toán dịch vụ bằng Pi. Tuy nhiên, theo những người chơi tiền điện tử, việc thanh toán bằng Pi như quảng cáo là chưa khả dụng.
Nguyễn Bảo, một người từng "đào Pi" thời kỳ đầu chia sẻ, bên cạnh các khía cạnh công nghệ của dự án, Pi sử dụng chiêu thức dụ người khác tham gia mạng lưới đó là khiến họ ảo tưởng về giá trị của đồng tiền. Đa phần khi mới tham gia đều sử dụng hình ảnh "cây ATM" đổi Pi ra tiền, ảnh người nước ngoài mua siêu xe bằng Pi, nhưng thực tế là hình dựng hoặc "photoshop".
Quản trị viên một diễn đàn đào Pi lớn nhất ở Việt Nam cho biết, Pi Network hiện chưa cho phép người dùng mua bán đồng Pi. Người dùngi "có thể trao đổi hàng hóa dựa trên sự đồng thuận, nhưng điều kiện là phải được xác thực danh tính KYC (Know Your Customer) và mở tính năng giao dịch nội bộ IAT (In App Transfer)".
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thanh toán bằng Pi là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tiền ảo không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. Do đó, việc mua bán, kinh doanh tiền ảo không được pháp luật bảo vệ.
Pi tên một là dự án về tiền điện tử ra đời từ năm 2019, với người sáng lập là Tiến sĩ Nicolas Kokkalis, đến từ đại học Stanford (Mỹ). Sau khi cài ứng dụng, tài khoản Pi của người dùng sẽ tự động tăng nhưng người dùng phải mở ứng dụng để "điểm danh" sau mỗi 24 giờ, mời càng nhiều người tốc độ đào càng nhanh. Dự án này hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có thời gian cho giai đoạn chính thức.
Nhiều người tham gia vì cho rằng đây là ứng dụng miễn phí, cho nên ứng dụng Pi Network liên tục lọt top những ứng dụng được tải nhiều tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo ứng dụng này có thể lấy thông tin người dùng.
Hiện tại, các chuyên gia về tiền mã hóa vẫn nghi ngờ giá trị của đồng Pi, bởi dự án này chưa mở mã nguồn, chưa có thời gian cụ thể cho giai đoạn Mainnet. Tài khoản Pi của người dùng cũng chưa có địa chỉ và vì khóa bí mật nên chưa thể giao dịch.