• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thôi kệ, lá rách đùm lá tả tơi!

Những người hỗ trợ cho người nghèo trong thời gian tránh dịch cũng gặp khó khăn về kinh tế,...

Hiện tại, dịch COVID-19 lan rộng ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người, mà rõ rệt nhất có lẽ là những người bán vé số, người vô gia cư. Họ không còn mưu sinh được nữa. Nhiều người lâm vào cảnh lao đao, cái đói hiện hữu ngay trước mắt.

Nhưng, họ thật sự không cô đơn vì nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Nghệ sĩ Đại Nghĩa được biết đến là người rất năng nổ trong hoạt động thiện nguyện. Ảnh: FB Bùi Đại Nghĩa.
Nghệ sĩ Đại Nghĩa được biết đến là người rất năng nổ trong hoạt động thiện nguyện. Ảnh: FB Bùi Đại Nghĩa.

Từ ngày 1/4, nghệ sĩ Đại Nghĩa cùng Tài khoản An Vui đã gửi tặng gạo đến hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn trên khắp TP.HCM và các tỉnh miền Tây, mỗi hoàn cảnh như vậy một phần 10kg gạo. Ngoài ra, anh còn lắp đặt hàng trăm máy lọc nước cho bà con vùng bị hạn mặn ở miền Tây.  

Trong ngày đầu tiên cách ly cả nước, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt danh sách 20 quán cơm miễn phí hoặc dưới 5.000 đồng ở Sài Gòn. Tiếp đó, ngày càng nhiều điểm phát thức ăn làm sẵn hoặc nhu yếu phẩm trong 15 ngày ở Sài Gòn và các tỉnh khác mọc lên rầm rộ. Tất cả đến từ cá nhân nhỏ lẻ, nhóm tình nguyện...

Chiều 30/3, trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Văn Giao (62 tuổi, ngụ tại TP.HCM) thông báo gia đình ông hỗ trợ 200 phần gạo, mỗi phần 10 kg cho người nghèo bán vé số. Số gạo dành tặng cho những người bán vé số này sẽ được phân phát tại nhà riêng của ông Giao ở đường Vũ Tùng, P.2, Q.Bình Thạnh.

Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, ông Giao cho hay đợt này ông hỗ trợ tổng cộng 2,5 tấn gạo cho 250 người bán vé số. Trong đó, 500 kg gạo được chuyển cho nhóm từ thiện Tâm Sen, Q.8 để tặng cho 50 người bán vé số trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Giao (thứ 2, từ trái sang) trong một chuyến tặng quà từ thiện. Ảnh: Thanh Niên
Ông Nguyễn Văn Giao (thứ 2, từ trái sang) trong một chuyến tặng quà từ thiện. Ảnh: Thanh Niên

Ông Nguyễn Văn Giao tâm tình: “Qua báo chí, tôi biết thông tin dừng phát hành xổ số kiến thiết trong 15 ngày kể từ ngày 1.4, nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, tôi muốn san sẻ với bà con nghèo mưu sinh bằng công việc bán vé số đang gặp rất nhiều khó khăn. Thực lực của tôi có hạn, nên chỉ giúp được phần nào

Ở quận Gò Vấp, TP.HCM có anh Tống Hoàng Quân cùng những người bạn trong nhóm từ thiện G9 của mình đã vận động những phần quà, mong muốn chia sẻ một phần khó khăn cơm áo của họ những ngày sắp tới.

"Chúng tôi dự kiến phát 100 phần quà bao gồm gạo, dầu ăn, nước mắm, mì gói... để các cô chú bán vé số có thể bớt đi một phần lo lắng. Những phần quà nhỏ thôi nhưng là tấm lòng của chúng tôi, hi vọng mọi người sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này", anh Quân chia sẻ.

Ngay trên đường phố, phần quà nhỏ được trao kèm lời thăm hỏi, động viên khiến những người bán vé số cảm động.

Người phụ nữ quê ở An Giang lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số vui mừng khi nhận được phần quà nhỏ để duy trì cuộc sống những ngày sắp tới. Ảnh: Tuổi Trẻ
Người phụ nữ quê ở An Giang lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số vui mừng khi nhận được phần quà nhỏ để duy trì cuộc sống những ngày sắp tới. Ảnh: Tuổi Trẻ

Gạt vội nước mắt, bà Ngọc Sương (45 tuổi, Trà Vinh) cho biết: "Mấy ngày qua, sợ dịch bệnh mọi người ít ra đường nên vé số ế lắm, giờ dừng luôn nửa tháng sẽ còn khó khăn hơn. Bán vé số là công việc duy nhất của tôi, giờ phải nghỉ, không biết lấy đâu ra tiền để trả tiền nhà trọ, cơm nước mỗi ngày.

Những phần quà như thế này với chúng tôi rất lớn, không chỉ vật chất mà còn là món quà tinh thần, cho thấy chúng tôi không bị bỏ rơi".

Cũng với mục đích san sẻ khó khăn với người nghèo, tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát, Bình Dương), một nhà dân chuẩn bị các phần lương thực bao gồm 1kg gạo và 7 gói mì để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch.

Hằng ngày gia chủ chuẩn bị 60 phần quà, để trước cửa nhà cho người dân tiện đến lấy. Chủ nhà nói sẽ cố gắng làm đến khi nào hết khả năng mới thôi.

Những việc làm và hành động ý nghĩa giúp lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau vượt qua giai đoạn mà cả nước đang gặp nhiều khó khăn.

Một người dân ở Khu công nghiệp Mỹ Phước (thị xã Bến Cát, Bình Dương) chuẩn bị các phần thực phẩm để người khó khăn đến lấy về. Ảnh: Tuổi Trẻ
Một người dân ở Khu công nghiệp Mỹ Phước (thị xã Bến Cát, Bình Dương) chuẩn bị các phần thực phẩm để người khó khăn đến lấy về. Ảnh: Tuổi Trẻ

Đâu chỉ riêng Sài Gòn, tại Cần Thơ, giữa cái nắng oi bức của những ngày cuối tháng 3, anh Ngôn Đức Thắng chạy xe rong ruổi khắp các chợ ở Ninh Kiều, Bình Thủy (TP Cần Thơ) để kiếm những người già, người khuyết tật bán vé số.

Mỗi người được anh Thắng gửi 200.000 đồng kèm lời dặn: “Mai mốt không có vé số bán, con gửi 200.000 để dành mua cơm gạo ăn nhe!”. Rồi anh vội vã đi, chẳng để người nhận kịp nói lời cảm ơn.

Cùng tâm trạng lo lắng cho cái ăn tạm thời của những người bán vé số ở trên địa bàn, chị Huỳnh Thị Thanh Dung, chủ một cửa hàng thời trang ở Ninh Kiều (TP Cần Thơ), đã bỏ tiền ra mua hơn 100 thùng mì gói để tặng cho bà con.

Anh Ngôn Thắng (phải) vận động hỗ trợ tiền cho những người bán vé số, mỗi người 200.000 đồng. Ảnh: PLO.
Anh Ngôn Thắng (phải) vận động hỗ trợ tiền cho những người bán vé số, mỗi người 200.000 đồng. Ảnh: PLO.

Chỉ trong sáng 30/3, chị Dung đã in phiếu nhận mì và trao tận tay các bà con nghèo bán vé số trên địa bàn Ninh Kiều.

“Lúc đầu cũng lo lắng lắm, sợ tập trung đông người sẽ vi phạm quy định của Nhà nước nên tôi nghĩ ra cách in phiếu rồi để bà con lại từ từ nhận. Vừa không vi phạm quy định tập trung đông người, vừa có thể góp phần giúp cho bà con vượt qua cái khó trước mắt” - chị Dung bộc bạch.

Một quán cơm trên địa bàn Ninh Kiều cũng đăng thông báo tặng cơm miễn phí cho những người bán vé số nghèo trong thời gian tạm nghỉ để tránh dịch. Rồi một đại lý vé số ở Vĩnh Long cũng cho hay sẽ hỗ trợ bà con 50.000 đồng/ngày khi lệnh tạm cấm bán vé số có hiệu lực.

Không một ai chen lấn, xô đẩy, mỗi người giữ khoảng cách với nhau để chờ đợi nhận những phần cơm mang về. Ảnh: Kenh14.vn
Không một ai chen lấn, xô đẩy, mỗi người giữ khoảng cách với nhau để chờ đợi nhận những phần cơm mang về. Ảnh: Kenh14.vn

Những người tặng tiền, hỗ trợ cho bà con bán vé số trong thời gian tránh dịch cũng đều gặp khó khăn chung về kinh tế nhưng họ vẫn giang tay giúp đỡ người khác, như lời họ nói nhẹ bâng, " thôi kệ, lá rách đùm lá tả tơi".

AN LY (t/h)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật