Nhiều ngày qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) và đội Cảnh sát kinh tế các địa phương liên tục thu giữ những lô bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Những sản phẩm bánh trung thu không đạt tiêu chuẩn tiềm ẩn nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Riêng tại TPHCM, từ ngày 23/8 đến nay, Cục QLTT TPHCM đã chỉ đạo các đội QLTT kiểm tra, xử lý 9 vụ vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tạm giữ 10.098 chiếc bánh Trung thu các loại, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 90,6 triệu đồng.
Thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2023, lực lượng QLTT tại nhiều tỉnh, thành đã phát hiện, thu giữ số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, ngày 25/9, Đội QLTT số 1 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương vừa xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 15,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy 1.300 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Số bánh trung thu trên bị lực lượng chức năng gồm Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội 4 Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương phát hiện, thu giữ qua tổ chức kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh bánh kẹo do bà Nguyễn Thị Minh Thu làm chủ (địa chỉ tại số 53 đường Quang Liệt, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Ngày 21/9, Lào Cai phát hiện, xử lý 3.140 sản phẩm bánh trung thu các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại khu vực đường Hoàng Quy, tổ 26, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, Đội QLTT, Công an tỉnh Lào Cai phát hiện lô hàng gồm 05 thùng cát tông bên trong chứa thực phẩm bao gói sẵn có dấu hiệu là hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lô bánh trung thu lậu ở Lào Cai (Ảnh: QLTT Lào Cai) |
Kết quả khám phát hiện tang vật vi phạm hành chính là thực phẩm bao gói sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: Bánh Trung thu 1.300 cái; Bánh Mỳ vị trái cây 1.600 cái; Miến hộp ăn liền 240 hộp.
Tại Hà Nội, ngày 14/9, Đội QLTT số 22 (QLTT Hà Nội) phối hợp với PC03, Công an Thành phố kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ số 340 đường Bờ Tây Sông Nhuệ, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Qua kiểm tra, Đội QLTT số 22 đã tạm giữ 122.100 sản phẩm bánh các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Trị giá hàng hóa trên 180 triệu đồng.
Lô bánh trung thu mà Cục QLTT Hà Nội tạm giữ (Ảnh: Cục QLTT) |
Ngày 23/9, Đội QLTT số 22 tiếp tục phát hiện 1.800 chiếc bánh Trung thu nhân trứng chảy không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; trên bao bì không có bất cứ thông tin nào chứng minh nguồn gốc của hàng hóa khi các lực lượng bất ngờ khám 3 thùng các tông và 1 thùng xốp tại sảnh phía trước số nhà 33 (tòa nhà Intracom) đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn, Hà Nội.
Bánh trung thu đến từ ... tương lai
Ngoài tình trạng bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ còn có cả những lô bánh "đến từ tương lai" như Công an Đà Nẵng mới phát hiện.
Cụ thể, Tối 20/9, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) phát hiện gần 1.500 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lô bánh này trên bao bì sản phẩm đều không có nhãn mác, tên cơ sở sản xuất.
Đáng chú ý, trên bao bì ghi ngày sản xuất không đúng với thực tế. Thời điểm kiểm tra là ngày 20/9, nhưng ngày sản xuất ghi trên bao bì là 24/9.
Quá trình kiểm tra, chủ cơ sở là bà D.T.H không xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy công bố chất lượng sản phẩm, không có hóa đơn chứng từ.
Chủ cơ sở khai nhận, lô bánh này được vận chuyển từ Hà Nội vào. Hàng sẽ được phân phối lại cho các đơn vị khác để đóng hộp và dán nhãn thành bánh trung thu có thương hiệu và bán ra thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác, chỉ lựa chọn mua thực phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
1.800 chiếc bánh Trung thu nhân trứng chảy không có hóa đơn mà Cục QLTT Hà Nội phát hiện. Ảnh: TCQLTT |
Đối với các thực phẩm chế biến ăn ngay, người tiêu dùng cần biết rõ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở chế biến. Đối với sản phẩm bao gói sẵn, người tiêu dùng cần lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng.
Người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với các sản phẩm giá rẻ bất thường, các sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ... Bên cạnh đó, người tiêu dùng hãy phản ánh kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh thực phẩm cho các cơ quan như QLTT, y tế, công an... để được xử lý kịp thời