Mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái đã làm gây thiệt hại về người và tài sản, nhiều đoạn đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp...
Tại Lai Châu, ngày 6/8, mưa lớn đã gây sạt lở đất làm thiệt hại người, công trình cơ sở hạ tầng và tài sản của nhân dân. Cụ thể, mưa lũ, sạt lở làm 4 người chết, 3 người bị thương, gây sạt lở ta luy âm gây lún, nứt đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông đi lại của người dân.
Hiện trường sạt lở tại Km198+289 QL4H. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG |
Tại Yên Bái, mưa lũ, sạt lở đất đá làm 2 bé ở xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải) tử vong. 31 nhà ở huyện Mù Cang Chải bị nước lũ, sạt lở đất làm hư hỏng, ảnh hưởng.
Tại tỉnh Sơn La, mưa lũ cũng làm một người chết. Nhiều hộ tại bản Phương Yên, xã Chiềng Hoa bị mưa lũ làm nhà bị đổ sập hoàn toàn.
Tại Điện Biên, mưa lũ gây ảnh hưởng hàng chục nhà ở (H.Mường Nhé 24, TP.Điện Biên Phủ 10, H.Tủa Chùa 2), gây thiệt hại gần hàng trăm ha lúa mùa và ngô hè thu. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính gần 6 tỉ đồng, riêng H.Mường Nhé thiệt hại trên 4,6 tỉ đồng.
Tại Hòa Bình, từ 5/8. tuyến đường 446 khu vực ngầm Bãi Nai (xã Mông Hóa, TP.Hòa Bình) bị ngập, các phương tiện qua lại không đảm bảo an toàn. Tại Km146 tuyến QL6 (H.Mai Châu, Hòa Bình) xuất hiện điểm sạt lở đất đá từ trên đồi xuống đường gây cản trở giao thông.
Do mưa lũ trên cả 3 miền, lưu lượng nước về các hồ tăng cao đã bổ sung lượng nước đáng kể về các hồ thủy điện, một số hồ thủy điện phải xả tràn. Một số cung đường tại các nhà máy thủy điện bị ùn tắc do sạt lở đất đá đã được các đơn vị phối hợp cùng địa phương khắc phục.
Diễn biến mưa lũ, sạt lở đất cũng ảnh hưởng đến tình hình vận hành lưới điện ở một số khu vực ở phía Bắc như: Khu vực nhà máy thủy điện Hồ Bốn có lũ quét lớn và và sạt lở; một số cột điện, một số đoạn đường dây 35kV tại các huyện Mường La (Sơn La), một số tuyến đường và đồi núi tại khu vực Bản Mùi bị sạt lở, gây sự cố đường dây 35 kV tại Bản Mùi (Lai Châu) làm mất điện 5 trạm biến áp...
Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, hiện nay (9/8), mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong 6 giờ tới, tại các khu vực trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi hơn 80mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện.
Cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.
Tối 8/8, Thủ tướng đã ký công điện khẩn về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh thành và thủ trưởng cơ quan liên quan tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Từ đó, kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất.
Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất, quản lý, bảo vệ rừng, hoạt động xây dựng, khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.
Với các khu vực đã phát hiện nguy cơ sạt lở, lũ quét, Thủ tướng yêu cầu địa phương kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các địa phương tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.
Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng giao phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở, lũ quét, kỹ năng ứng phó để chủ động sơ tán, di dời trước khi xảy ra sự cố, giảm thiệt hại.
Bộ cần phối hợp với các cơ quan có liên quan và huy động các chuyên gia, nhà khoa học khẩn trương tổ chức nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên... nhiệm vụ này báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 8.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của nhân dân.
Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu...