• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng: "Không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn”

"Rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế...

Sáng 11/6 đã diễn ra cuộc thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra những góp ý về quy định xử lý vi phạm môi trường. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định ô nhiễm môi trường đe doạ cuộc sống, là vấn đề lớn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Do đó, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là rất quan trọng để góp phần thay đổi về nhận thức, tư duy, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Thủ tướng, phải cương quyết bảo vệ môi trường, bắt đầu từ đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy. Không thể xem nhẹ bảo vệ môi trường. Hiện nay, vấn đề này chưa đúng mức, chưa cương quyết ở nhiều nơi, cần phải giáo dục lại sự vô trách nhiệm của một bộ phận dân cư.

“Đừng nói chuyện trên trời mà không bàn vấn đề sát sườn là bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng dẫn chứng về hiệu quả của việc cụ thể hóa các quy định Luật chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100, từ đây cho rằng cần có một nghị định tương tự, với chế tài nghiêm khắc trong xử lý rác thải để bảo vệ môi trường. "Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, tình trạng “dọc bờ sông, bãi biển còn bẩn, nhưng cứ nói mãi mà không ai chịu thực thi bảo vệ. Qua đây, Thủ tướng đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Cần sửa luật để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa, nâng cao trách nhiệm của mình trước dân.

Thủ tướng mong muốn có một bộ máy mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra. Ông cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp thu để có hành động mạnh mẽ hơn nữa, tránh “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trong buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý cần có chế tài để quản lý môi trường, ứng phó biến đổi trong tình hình mới, vì kinh tế phát triển sẽ tác động như chất thải, môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, cần đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thông qua quy định trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành.

Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT Trần Thị Quốc Khánh cho rằng trong bối cảnh nguồn nước khan hiếm, công trình xả thải nhiều, nếu chỉ giao cho mỗi cấp tỉnh thì không làm được, mà phải có sự phối hợp của Trung ương để giải quyết triệt để. Đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ TN&MT và UBND các tỉnh trong việc bảo vệ môi trường nước dưới lòng đất. Nữ đại biểu nhắc lại vụ ô nhiễm nước sông Đà vừa qua đồng thời đề nghị phải có thêm quy định về an ninh nguồn nước.

Về vấn đề bảo vệ không khí, theo bà Khánh, quy định như dự thảo còn chung chung, không rõ trách nhiệm cụ thể. Nhất là Hà Nội thời gian qua đã có nhiều cảnh báo ô nhiễm không khí, đề nghị người dân đóng cửa, không ra khỏi nhà...

Bà đề nghị phải bảo vệ môi trường không khí tốt hơn bằng cách bổ sung thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm xử lý nơi nào xảy ra sự cố.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật