Ngày hôm nay, 22/12, có 17 tình nguyện viên còn lại của nhóm 1a tiếp tục được tiêm thử vaccine Nanocovax liều 25 mcg.
3 tình nguyện viên đầu tiên của nhóm này đã được tiêm vào ngày 17/12 sức khỏe đều bình thường và đã trở về nhà. 28 ngày sau tiêm mũi thứ nhất, 3 tình nguyện viên này sẽ tiếp tục được tiêm mũi thứ 2.
Giai đoạn thử nghiệm thứ 2 sẽ chia thành nhóm sinh miễn dịch và nhóm tiêm giả dược, với khoảng 200-400 tình nguyện viên. Học viện Quân y cho biết có hơn 300 người đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng, tuy nhiên qua sàng lọc sức khoẻ, hơn 200 người đủ yêu cầu.
Các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc dộ nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19. Ảnh: TT |
Giai đoạn 3 cần 1.500- 3.000 tình nguyện viên và mở rộng đến 30.000 người, bao gồm cả các nước có dịch ngoài cộng đồng tại Châu Á, Châu Âu... Mục tiêu của giai đoạn 3 phải đánh giá được tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực của vaccine.
Nếu thuận lợi, dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ hoàn tất cả 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, cấp số đăng ký để lưu hành vaccine COVID-19.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về vaccine COVID-19 chiều 21/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần khuyến khích, động viên, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine trên tinh thần tạo điều kiện tối đa. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan chức năng xác định khả năng sản xuất vaccine của các doanh nghiệp trong nước, để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tìm hiểu kinh nghiệm thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 của các nước trên thế giới, để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax của Việt Nam, sớm có vaccine trong nước. Yêu cầu hỗ trợ Công ty NANOGEN, đặc biệt tìm kiếm đối tác nước ngoài trong việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax giai đoạn 3.
Vaccine COVID-19 đang sản xuất tại Công ty NANOEN. Ảnh: VnExpress |
Riêng các đơn vị nghiên cứu vaccine COVID-19 cần thúc đẩy quá trình thử nghiệm, làm sao có thể rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3. Bộ Y tế lắng nghe các kênh thông tin khác nhau để chọn phương án tốt nhất trình Chính phủ.
Về mua vaccine của nước ngoài, Thủ tướng chỉ đạo cần sớm có một cơ số vaccine cần thiết để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế hoàn thiện đề án cụ thể về số lượng, đơn giá, đối tượng tiêm, phương thức, hiệu lực vaccine, và “xác định mua của nước nào là phù hợp nhất”.
Bên cạnh ngân sách Nhà nước, cần xã hội hóa để có các nguồn lực cần thiết cho việc này. Bộ Y tế cần tìm kiếm thêm các nhà cung cấp, các hình thức hợp tác mua sắm vaccine, thậm chí cả đóng gói ở Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay giá bán vaccine trên thế giới rất cao, nguồn cung còn hạn chế, nên việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 trong nước là rất cần thiết.