Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS), thông tin cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Vương quốc Anh và Scotland đề xuất sửa đổi quy định về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với quả thanh long của Việt Nam chỉ là thông báo nội bộ của nước này.
Chính vì vậy, thông tin về các siêu thị của Anh đã ngừng bán quả thanh long của Việt Nam vì thông báo này là không chính xác.
Trao đổi với báo chí, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS khẳng định: "Việc một siêu thị nào đó ở Anh dừng bán sản phẩm thanh long Việt Nam là hoạt động nằm trong kế hoạch vận hành, kinh doanh của họ. Điều này không liên quan đến việc phía Anh dự kiến tăng tần suất kiểm tra. Các quốc gia tăng hay giảm tần suất kiểm tra cũng là việc hoàn toàn bình thường trong thương mại nông sản quốc tế".
Ông Ngô Xuân Nam cũng thông tin: "Phía Anh thông báo là dự kiến, còn theo quy định của WTO, bất kỳ một thành viên WTO nào muốn thay đổi biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh thì bắt buộc phải thông báo đến Ban Thư ký WTO, tức là thông báo qua Ủy ban SPS, đây mới là thông báo chính thức. Từ Ủy ban SPS sẽ gửi đến các thành viên WTO. Các thành viên WTO, trong đó có Việt Nam sẽ nghiên cứu, góp ý. Thời hạn góp ý là 60 ngày, sau 60 ngày mới có hiệu lực. Chúng ta cần hiểu rằng, việc tăng giảm tần suất kiểm tra hàng hóa ở biên giới là chuyện hết sức bình thường của thành viên WTO, vì đặc biệt đối với Anh và EU, cứ 6 tháng một lần sẽ họp xem xét để tăng giảm".
Ảnh: AH |
Theo số liệu thống kê cho thấy, tính từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Vương quốc Anh 193 lô với khoảng 625 tấn thanh long tươi và đông lạnh, cùng đó xuất sang thị trường châu Âu (EU) khoảng 2.000 tấn/năm. Trong 6 tháng đầu năm nay, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được cảnh báo nào về việc thanh long của Việt Nam vi phạm quy định về các quy định an toàn thực phẩm.
Theo ông Nam, Việt Nam và Anh đã ký hiệp định thương mại tự do UKFTA. Do đó, những thay đổi biện pháp an toàn thực phẩm áp dụng cho thanh long của Việt Nam xuất khẩu vào Anh phải căn cứ Chương 6, Hiệp định UKVFTA và thông báo tới đơn vị đầu mối thông tin của Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam. Nếu hàng hóa của mỗi bên đáp ứng đầy đủ các quy định của phía nhập khẩu thì có thể nhập bình thường và không được phép đưa ra lệnh cấm nếu hàng hóa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm.
"Chúng tôi đang chờ phản hồi từ cơ quan đầu mối SPS của Vương quốc Anh", ông Nam nói.